Bản tin môi trường số 48/2022

Thứ hai, 12/12/2022 | 08:05 GMT+7
Từ ngày 7 - 19/12, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (COP15) được tổ chức nhằm thảo luận về thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu, hướng đến bảo vệ hệ sinh thái và các loài sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người.

Khởi động Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học

Các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học cũng cho thấy, các hệ sinh thái lành mạnh như rừng và thảm cỏ biển là chìa khóa để kiểm soát sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên đang ngày càng đe dọa nhiều hệ sinh thái cũng như các loài, nếu không thể thích nghi nhanh chóng hoặc di chuyển đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc

Tại hội nghị, các chuyên gia dự báo rằng, cam kết bảo vệ 30% đất và biển vào năm 2030 sẽ khó đạt được do một số quốc gia chứa các vùng đất hoặc đại dương rộng lớn có rất nhiều động vật hoang dã, trong khi những quốc gia khác thì không. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của từng khu vực.

Bà Eva Zabey, Giám đốc điều hành Business for Nature, Liên minh toàn cầu gồm các doanh nghiệp và tổ chức bảo tồn cho rằng, các Chính phủ cần có trách nhiệm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030. Qua đây, bà kêu gọi một thỏa thuận quốc tế đầy tham vọng, rõ ràng và có thể thực thi tương tự như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong tương lai.

Theo đó, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị, điển hình là khung dự thảo hơn 20 đề mục từ các đề xuất giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giải quyết các loài xâm lấn, cải cách hoặc loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường và tăng tài chính cho thiên nhiên từ cả các nguồn công và tư. Khung dự thảo sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận như: đảm bảo các nước nghèo có đủ kinh phí cần thiết để khôi phục các khu vực bị suy thoái; nỗ lực hạn chế khí thải làm khí hậu nóng lên; ban bố thời hạn loại bỏ dần thuốc trừ sâu…

Xây dựng và thực hiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã vừa phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới".

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, biến đổi khí hậu đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới. Tình hình này đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia trong việc đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới"

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020, đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới...

Theo ông Christoph Klinnert, Giám đốc dự án MCRP (GIZ), những năm qua, MCRP đã phối hợp, hỗ trợ Việt Nam thực hiện lồng ghép phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại 13 địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long. MCRP sẽ cùng với Việt Nam triển khai tốt hơn nữa công nghệ đổi mới sáng tạo, phòng, chống xói lở bờ biển và bờ sông; lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo và thông minh thích ứng với khí hậu để canh tác nông nghiệp bền vững; thí điểm các cách tiếp cận thuận thiên, thoát nước và chống ngập đô thị dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị.

Củng cố quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Quốc phòng

Ngày 7/12, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm giai đoạn 2017 – 2022 và phương hướng thực hiện quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2027.

Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm giai đoạn 2017 – 2022 và phương hướng thực hiện quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2027

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng và Bộ TN&MT đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực công tác và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác thực hiện quy chế phối hợp của hai Bộ, qua đó đề nghị, hai Bộ phối hợp triển khai các nhiệm vụ về lập quy hoạch không gian biển quốc gia; điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển; thiết lập các khu vực bảo vệ các hệ sinh thái trên biển Đông; phối hợp phát triển hệ thống quan trắc các yếu tố khí tượng, hải văn; triển khai quan trắc các yếu tố sóng, gió trên các trạm đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phối hợp bảo vệ các mốc biên giới…

Đồng thời đặt vấn đề để các đơn vị hai Bộ cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phòng chống các sự cố ô nhiễm, bảo vệ môi trường; nghiên cứu các ra đa, dự báo phục vụ phòng chống thiên tai; nghiên cứu các nguồn lực tài nguyên biển để phát triển kinh tế biển…

Tổ chức nghiên cứu phối hợp thiết kế, chế tạo, đóng mới các tàu nghiên cứu, khảo sát môi trường biển kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Việt Nam…

Linh Giang