Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 1/2022

Thứ hai, 10/1/2022 | 08:32 GMT+7
Tại Kon Tum, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức lễ bàn giao công trình Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 cho Công ty Phát triển thủy điện Sê San quản lý vận hành.

Bàn giao Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 cho đơn vị quản lý vận hành

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 có công suất 49MWp, do EVN làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án điện 2 quản lý điều hành dự án.

Nhà máy được xây dựng tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Nhà máy có tổng mức đầu tư: 937,1 tỷ đồng với sản lượng điện bình quân: 72,4 triệu kWh/năm.

Triển khai từ ngày 20/12/2019, dự án phát điện thương mại vào ngày 22/11/2020 và được Hội đồng nghiệm thu EVN nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng từ ngày 30/11/2020. Hiện nay, nhà thầu EPC đã hoàn thành 1 năm vận hành theo quy định của hợp đồng.

Một góc Nhà máy điện mặt trời Sê San 4. (Ảnh: EVN)

Theo đại diện Công ty Phát triển thủy điện Sê San, công tác vận hành phát điện trong năm đầu do Công ty Phát triển thủy điện Sê San đảm nhận theo hợp đồng cho thấy số giờ vận hành quy đổi trung bình trong ngày là 3,73 giờ/ngày, sản lượng điện đã phát là 71,26 triệu kWh. Để đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo trì thiết bị sau khi tiếp nhận chính thức nhà máy, công ty đã đưa vào vận hành trung tâm điều khiển; các trưởng ca đã được cấp chứng nhận vận hành. Công ty cũng ban hành đầy đủ các sơ đồ, quy trình vận hành Nhà máy điện mặt trời Sê San.

Tại lễ bàn giao, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh đánh giá cao nỗ lực của Ban quản lý dự án điện 2, tổng thầu và Công ty Phát triển thủy điện Sê San đã phối hợp chặt chẽ đảm bảo xây dựng, vận hành an toàn, hiệu quả công trình. Ông Nguyễn Tài Anh yêu cầu Công ty Phát triển Thủy điện Sê San tiếp nhận, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả sau khi được bàn giao chính thức.

Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy điện rác Seraphin

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã có Quyết định số 2624/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.

Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) đã phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, điều tra thực địa phục vụ cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Công tác khảo sát thực địa khu vực dự án gồm: lấy mẫu, đo đạc quan trắc hiện trạng các yếu tố môi trường nền trong khu dự án (không khí, tiếng ồn, nước, đất); khảo sát hiện trạng hệ sinh thái nơi thực hiện dự án và lân cận; khảo sát, thu thập tài liệu, số liệu về hiện trạng dân sinh, kinh tế xã hội khu dự án; thực hiện tham vấn với các tổ chức, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án theo luật định. 

Các bên đã cùng nhau phân tích, đánh giá các tác động trong quá trình thi công cũng như vận hành dự án, từ đó đề xuất những biện pháp giảm thiểu phù hợp và tối ưu nhất nhằm hạn chế tác động nhất thời cũng như lâu dài của dự án đến môi trường.

Vị trí dự án

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Công suất tiếp nhận rác định mức: 1.500 tấn/ngày đêm; công suất tiếp nhận rác tối đa: 1650 tấn/ngày đêm. Theo tính toán, thời gian nhà máy vận hành đảm bảo ≥ 8000 giờ/năm. Công suất phát điện là 37 MW (bao gồm 3 lò đốt (công suất mỗi lò là 500 tấn/ngày); 2 tổ máy, gồm: 1 tổ 25MW, 1 tổ 12MW). Diện tích sử dụng đất 2,5ha. Tiến độ thực hiện xây dựng dự kiến là 16 tháng.

Dự án ứng dụng công nghệ Segher của Bỉ. Đây là công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường với các chỉ tiêu chất lượng chính của khí thải, lò đốt đạt tiêu chuẩn EU 2000/76/EC, các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt QCVN 61/2016/BTNMT. Công nghệ này đã được nghiên cứu cải tiến với nhiều thiết bị phụ trợ hiện đại, nâng cao chất lượng môi trường trong hoạt động xử lý rác của nhà máy, tái tạo năng lượng đặc biệt phù hợp với loại rác của Việt Nam (nhiệt trị thấp, độ ẩm cao, chưa qua phân loại). 

Dự án hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp môi trường chất lượng cao; xử lý khi thải, nước thải, chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Đánh giá lại tài sản, vốn của 3 nhà máy thủy điện thuộc EVN

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2270/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đánh giá lại tài sản, vốn của 3 nhà máy thủy điện (Hòa Bình, Trị An, Ialy) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Mục đích đánh giá nhằm sử dụng nguồn chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản, vốn của 3 nhà máy thủy điện để bổ sung vốn điều lệ của EVN theo quy định, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án điện cho EVN nhằm thực hiện cơ cấu lại tài chính, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN giai đoạn 2021 - 2025.

Thời điểm đánh giá lại: tại thời điểm 0g ngày 1/7/2021. Đối tượng thực hiện đánh giá lại là các tài sản cố định hữu hình của 3 nhà máy thủy điện phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất điện, đang được theo dõi, hạch toán trên sổ sách kế toán theo đúng quy định tại thời điểm đánh giá lại. Kết quả đánh giá lại được kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.

Công trình thủy điện Hòa Bình

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn việc đánh giá lại, việc bổ sung vốn điều lệ của EVN từ nguồn chênh lệch đánh giá lại, khấu hao tài sản cố định sau đánh giá lại và nghĩa vụ thuế đối với giá trị chênh lệch do đánh giá lại tài sản của 3 nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật và nội dung quyết định này.

Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và xử lý các vướng mắc phát sinh (nếu có) thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành trong quá trình tổ chức thực hiện đánh giá lại 3 nhà máy thủy điện của EVN.

Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN tổ chức thực hiện việc đánh giá lại và xử lý kết quả đánh giá theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các Bộ, cơ quan liên quan. Có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả đánh giá lại quy định. Xem xét, phê duyệt kết quả đánh giá lại 3 nhà máy thủy điện của EVN sau khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước; thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ cho EVN từ nguồn chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản (nếu có) theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

HĐTV EVN lựa chọn phương pháp đánh giá lại và tổ chức thực hiện đánh giá lại 3 nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật và quyết định này, bảo đảm các yêu cầu vận hành an toàn, phù hợp với tuổi thọ kỹ thuật của 3 nhà máy thủy điện và không làm tăng giá bán điện.

Ngân Hà