Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 20/2021

Thứ hai, 31/5/2021 | 09:02 GMT+7
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ký kết một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD để xây dựng và vận hành 3 trang trại điện gió với tổng công suất 144MW tại tỉnh Quảng Trị.

ADB ký khoản vay xanh để phát triển 3 trang trại điện gió ở Quảng Trị

Theo đó, ADB ký kết với Công ty CP Điện gió Liên Lập (Liên Lập), Công ty CP Điện gió Phong Huy (Phong Huy) và Công ty CP Điện gió Phong Nguyên (Phong Nguyên) để xây dựng và vận hành 3 trang trại điện gió với công suất 48MW mỗi dự án.

Khoản vay này là một phần của gói tài trợ cho khoản vay xanh cho dự án trị giá 173 triệu USD do ADB thu xếp, hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính. Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam, được chứng nhận bởi Sáng kiến Trái phiếu khí hậu, đơn vị quản lý Chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận Trái phiếu khí hậu quốc tế. Gói tài trợ gồm 35 triệu USD do ADB cấp vốn trực tiếp và 81 triệu USD khoản vay hợp vốn loại B. 

ABD cung cấp khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD để xây dựng và vận hành 3 trang trại điện gió tại Quảng Trị

Ông Jackie B. Surtani, Trưởng ban Tài trợ cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên sẽ bổ sung vào kinh nghiệm dày dặn của ADB trong các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam hoạch định một tương lai năng lượng sạch. Đây là dự án mang tính cột mốc, cho thấy nguồn tài trợ tư nhân có thể được huy động hiệu quả như thế nào để phát triển các dự án điện gió ở châu Á và Thái Bình Dương”. 

ADB đã huy động được nguồn tài trợ dài hạn với quyền truy đòi có giới hạn bằng đồng Đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại và các thể chế tài trợ phát triển khác, vốn không có sẵn ở trong nước. Điều này được thực hiện thông qua sự kết hợp các khoản vay loại B và khoản vay song song.

Dự án sẽ tạo ra điện năng trung bình 422GWh và tránh phát thải trung bình 162.430 tấn khí CO2 mỗi năm. Một kế hoạch hành động giới trong khuôn khổ dự án sẽ giúp phụ nữ ở cộng đồng địa phương được tiếp cận hoạt động tập huấn về vận hành và quản lý điện gió.

Khuyến khích đầu tư điện mặt trời tại các mỏ khoáng sản hết hạn khai thác

TP Đà Nẵng khuyến khích đầu tư điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp (trên giá thể) và du lịch đối với các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường (hiện tại có 24 mỏ với diện tích khoảng 116 hecta).

Theo Đề án phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 mới được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, TP thúc đẩy phát triển điện mặt trời để phục vụ nhu cầu tự dùng và cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.

Mục tiêu chung: đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn TP đạt 244,675MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 357.226MWh, đóng góp khoảng 5,62% tổng nhu cầu điện toàn TP. Đến năm 2035, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn TP là 577,49MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 843.133MWh, đóng góp khoảng 6,95% tổng nhu cầu điện toàn TP.

Cụ thể, đối với điện mặt trời mái nhà: thực hiện theo Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 12/1/2021 của UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Đề án phát triển điện mặt trời trên mái nhà TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và các văn bản của Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến hoạt động phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Ảnh minh họa

Với điện mặt trời mặt đất, đối với các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường (hiện tại có 24 mỏ với diện tích khoảng 116 hecta), khuyến khích đầu tư điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp (trên giá thể) và du lịch. Dự kiến công suất lắp đặt khoảng 100MWp. Trong tương lai có thể xem xét 22 mỏ khoáng sản đang hoạt động đến hết thời hạn hoạt động theo quy định của TP để phát triển điện mặt trời.

Đối với các khu công nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch: Đà Nẵng xem xét có chủ trương từ ban đầu về mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời để các chủ đầu tư và cơ quan quản lý chủ động triển khai. Đối với các khu đất được quy hoạch lâu dài cho sản xuất nông nghiệp: khuyến khích kết hợp sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) với lắp đặt điện mặt trời, tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, xem xét một số khu vực phù hợp để gắn sản xuất nông nghiệp – điện mặt trời và du lịch nông nghiệp nhằm tăng thêm hiệu quả kinh tế, tạo thêm điểm đến hấp dẫn mới cho TP.

Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mặt đất toàn TP đạt 74,96MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 109.435MWh. Đến năm 2035, tổng công suất lũy kế lắp đặt điện mặt trời mặt đất toàn TP đạt 174,9MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 255.349MWh.

Đối với điện mặt trời mặt nước: nghiên cứu tận dụng các mặt nước để lắp đặt điện mặt trời như mặt sông, mặt hồ tự nhiên và nhân tạo, các hồ xử lý nước thải, đặc biệt là mặt nước các vùng biển gần bờ có diện tích lớn trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động môi trường và xã hội.

Ký kết hợp đồng dịch vụ phục vụ dự án điện gió ngoài khơi

Tại TPHCM, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm PTSC (PTSC G&S), đơn vị trực thuộc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vừa ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR phục vụ dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind với Tập đoàn Enterprize Energy (EE).

Lễ ký kết được tiến hành theo hình thức trực tuyến.

Dự án điện gió Thăng Long Wind tại mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận hiện là dự án nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ và Bộ Công Thương về việc khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, làm cơ sở để triển khai đầu tư.

Dự án có quy mô 3.400MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD. Dự kiến thời gian phát điện chia thành 05 giai đoạn, giai đoạn 1 vào năm 2025, giai đoạn cuối vào năm 2030. 

Dự án Thăng Long Wind được kỳ vọng sẽ tạo đột phát trong việc phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam, gắn điện gió ngoài khơi với sản xuất hydro xanh và amonia xanh, thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện, là nguồn năng lượng phục vụ công nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất phân bón, hóa chất tại Việt Nam và tiến tới xuất khẩu.

Lễ ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR phục vụ dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind

Từ tháng 6/2019, Tập đoàn EE đã tiến hành đồng bộ khảo sát đo gió, khảo sát trên không (aerial survey), khảo sát địa chất đáy biển (bathymetric survey) khoảng 2.800 km2 khu vực cách bờ biển tỉnh Bình Thuận từ 20 - 50km, độ sâu từ 20 - 50m. Kết quả khảo sát khẳng định tiềm năng to lớn của nguồn năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam và khẳng định Việt Nam là một trong các trung tâm điện gió ngoài khơi trong tương lai gần trên thế giới.

Việc ký kết hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR giá trị hàng triệu USD là một trong những mốc quan trọng của dự án, thể hiện sự cam kết nghiêm túc của Tập đoàn EE trong việc triển khai chương trình khảo sát đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Trong tháng 7/2021, Tập đoàn EE sẽ hoàn tất lắp đặt phao nổi FLIDAR để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy…) tại khu vực khảo sát dự án.

Tại lễ ký kết hợp đồng trực tuyến, ông Ian Hatton, Chủ tịch kiêm người sáng lập của Tập đoàn Eterprize Enterprize cho biết: Dựa trên các tài liệu từ các tổ chức quốc tế và các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam kết hợp với số liệu khảo sát sau gần 2 năm thu thập được tại khu vực dự kiến phát triển dự án, Tập đoàn Eterprize Enterprize hoàn toàn tin tưởng vào việc dự án Thăng Long Wind sẽ là dự án năng lượng tầm cỡ thế giới, là đột phá cho nền kinh tế Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.

Việc ký hợp đồng với PTSC G&S/Fugro là cam kết của EE trong việc tối đa sử dụng các công ty Việt Nam trong việc phát triển dự án Thăng Long Wind, từ khảo sát đến thiết kế, gia công chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì với mục tiêu nội địa hóa trên 50% tổng mức đầu tư dự án. Công nghệ gắn với kinh tế xanh sẽ được chuyển giao và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ từng bước phát triển, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng, dịch vụ toàn cầu.

Tại lễ ký kết, bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TPHCM chia sẻ: “Tôi rất vui mừng trước sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ Anh và Việt Nam trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, trong đó Enterprize Energy là doanh nghiệp đi đầu với dự án Thăng Long Wind. Dự án này sẽ là dự án tiên phong cung cấp nguồn năng lượng sạch và hỗ trợ sự phát triển cho Việt Nam”.

Ngân Hà