Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 17/2021

Thứ hai, 10/5/2021 | 09:17 GMT+7
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn điện khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn.

Việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo là tình trạng khách quan

Mới đây, tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, chuyên gia môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. 

Tại buổi làm việc, các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế dành nhiều thời gian trao đổi những vấn đề về quy hoạch điện; phát triển nguồn năng lượng gió, LNG; đầu tư pin tích trữ năng lượng; việc tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện; cơ chế giá điện; đồng bộ lưới điện truyền tải với nguồn điện; an ninh năng lượng gắn với an ninh quốc phòng…

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) cho biết, dù nguồn năng lượng tái tạo đến hết năm 2020 đạt gần 20.000MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng lại chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống. Nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc được lãnh đạo NLDC chỉ ra như: dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động nhưng NLDC vẫn phải đảm bảo vận hành thị trường điện...

GS.TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ đang kéo theo những khó khăn về quản lý Nhà nước. Bất cập hiện nay là khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, các UBND tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Cơ quan lập quy hoạch điện là Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng bị đứng ngoài cuộc trong việc phê duyệt dự án. Những điều này dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua.

Nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nhận định, việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án. Bộ Công Thương và EVN chỉ là đơn vị được cập nhật thông tin về sau khi các dự án được phê duyệt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam thì bày tỏ quan ngại về việc một số dự án điện mặt trời do tư nhân đầu tư hiện đang có sự mua bán, chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, cũng như an ninh quốc phòng. Bà Phạm Chi Lan nêu kiến nghị, Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những dự án năng lượng tái tạo có quy mô tương đối lớn, nhất là ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng toàn Tập đoàn đã nỗ lực đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. 

Tổng giám đốc EVN cũng khẳng định, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục. EVN mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp sử dụng điện, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động điện lực...

Trình lại Thủ tướng Quy hoạch điện VIII vào tháng 6

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Thông báo cho biết, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung và lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, trình lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng đặc biệt quan tâm chỉ đạo, yêu cầu sớm hoàn thành với chất lượng tốt nhất, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, tạo nền tảng hạ tầng cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Quy hoạch điện VIII là cần thiết với mục đích đạt chất lượng tốt nhất, phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng của đất nước, xác định quy mô phát triển hợp lý hệ thống điện quốc gia qua từng thời kỳ để có giá bán điện hợp lý nhất và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ thêm về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia hiện nay; khả năng về cung ứng điện tối đa trong trường hợp có và không có rõ ràng buộc về tuyền tải công suất các nguồn hiện hữu trong hệ thống.

Rà soát kỹ, toàn diện các danh mục nguồn và lưới điện đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (kể cả danh mục đã được cơ quan có thẩm quyền chính thức bổ sung); phân tích kỹ tiến độ của các dự án đầu tư đang triển khai để làm cơ sở cân đối, tính toán phù hợp trong Quy hoạch điện VIII.

Ảnh minh họa

Rà soát quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện hợp lý so với dự báo nhu cầu điện từng thời kỳ, nhất là giai đoạn đến năm 2030; không để xảy ra tình trạng dư phòng nguồn điện không hợp lý (như phương án phát triển tổng công suất đạt 167.000 MW nguồn điện đến năm 2030 trong khi dự báo nhu cầu công suất cực đại theo phương án cơ sở là 86.500 MW). Lưu ý tuân thủ đúng định hướng Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đặc biệt là các mục tiêu phát triển về năng lượng tái tạo và nguồn điện khí LNG.

Bổ sung xem xét quy định các tiêu chí về các dự án quan trọng, ưu tiên trong quy hoạch qua từng thời kỳ, rà soát quy mô và phân bổ hợp lý không gian phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện LNG trong quy hoạch, bảo đảm lợi thế cạnh tranh, tối ưu trong phát triển hệ thống điện.

Nghiên cứu hoàn thiện thêm về pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện quy hoạch để khắc phục những điểm còn yếu trong thực hiện Quy hoạch điện VII, nhất là khi chuyển từ dạng quy hoạch chi tiết sang quy hoạch định hướng trong Quy hoạch điện VIII.

Quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giám sát, kiểm tra quyền lực trong quá trình thực hiện quy hoạch. Do đó, rà soát quy định về lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm rõ ràng, trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Rà soát quy định về cơ quan chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 140/2020.

Làm rõ mối liên hệ về phát triển nguồn và lưới điện giữa Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch đang được các địa phương tổ chức lập.

Dự án điện mặt trời mái nhà hộ gia đình sử dụng bộ lưu trữ thông minh

Ngày 5/5, Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam ra mắt dự án điện mặt trời mái nhà hộ gia đình sử dụng bộ lưu trữ điện năng thông minh ở Việt Nam.

Đây là dự án đầu tiên được Huawei triển khai tại Việt Nam, sử dụng trọn bộ giải pháp Huawei FusionSolar. Sau một tháng vận hành, hệ thống 7,37kWp đã cung cấp 995kWh, giảm phát thải 824kg khí CO2.

Hệ thống điện mặt trời này được lắp đặt trên mái tòa nhà Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun-ITI Corporation) tại quận 5, TPHCM.

Theo đó, hệ thống bao gồm ba bộ phận chính. Thứ nhất là bộ điều khiển thông minh (biến tần) cho hệ thống điện mặt trời Huawei SUN2000-5KTL-L1 công suất đầu ra tối đa là 5,5 kW; bảo hành 10 năm. Bộ điều khiển được tích hợp trí tuệ nhân tạo AI boost để nâng cao tính năng an toàn, chủ động phát hiện lỗi hồ quang. Khi phát hiện sự cố, hệ thống có thể ngừng hoạt động trong vòng 400ms, giúp bảo vệ hệ thống khỏi nguy cơ hỏa hoạn. Bộ điều khiển này không sử dụng quạt và các thiết bị ngoại vi dễ hư hỏng do đó không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, phù hợp cho hộ gia đình.

Đại diện Huawei chia sẻ về bộ lưu trữ thông minh

Thứ hai là bộ lưu trữ điện năng Luna2000-5-S0. Hệ thống cho phép sạc/xả theo thời gian cài đặt. Nếu để tự động, thiết bị điện sẽ sử dụng năng lượng mặt trời giờ cao điểm, đồng thời sạc vào bộ lưu trữ vào các giờ thấp điểm từ lưới điện.

Thứ ba là bộ tối ưu công suất SUN2000-450W-P phù hợp với hầu hết các loại pin năng lượng mặt trời trên thị trường, bảo hành 25 năm. Bộ phận này đảm bảo tấm pin phát tối đa 100% công suất thiết kế, không lo bị ảnh hưởng bởi bóng râm, hướng lắp đặt. Thiết bị có thể giám sát và làm việc độc lập với nhau, đồng thời có thể phát hiện lỗi hồ quang từ từng tấm pin.

Hệ thống điện mặt trời áp mái kết hợp với bộ lưu trữ điện năng thông minh đầu tiên của Huawei đã đi vào hoạt động tại Việt Nam từ tháng 3/2020. Hệ thống lưu trữ được sử dụng để lưu trữ điện dư, có thể phát vào lúc hết ánh nắng mặt trời để sử dụng trong giờ cao điểm. Giải pháp được đánh giá không chỉ hiệu quả mà còn giúp điều tiết hệ thống truyền tải điện, giúp giảm thiểu phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường.

Ngân Hà