Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 20/2022

Thứ hai, 30/5/2022 | 08:34 GMT+7
Phiên họp đầu tiên của Nhóm công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng, trong khuôn khổ Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (viết tắt là VEPG) giai đoạn II đã cập nhật chính sách, định hướng quốc gia cho thị trường dầu khí, than và thị trường điện tại Việt Nam.

Cập nhật chính sách, định hướng quốc gia cho thị trường điện tại Việt Nam

Trong hai ngày 26, 27/5 vừa qua, phiên họp đầu tiên của Nhóm công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng diễn ra tại tỉnh Bình Thuận. Phiên họp được chủ trì bởi bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương và ông Sean Lawlor, cán bộ ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ.

Mục tiêu chính của phiên họp là cập nhật chính sách, định hướng quốc gia cho thị trường dầu khí, than và thị trường điện tại Việt Nam, đặc biệt là những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của các thị trường này trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết về việc đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Phiên họp cũng nhằm xác định các chủ đề trọng tâm của Nhóm công tác kỹ thuật, đồng thời thống nhất kế hoạch hoạt động của nhóm trong năm 2022.

Toàn cảnh phiên họp Nhóm công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng

Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương, tiềm năng dầu khí của Việt Nam là 4,5 đến 7,1 tỷ TOE, trong đó 25% là dầu thô và 75% là khí thiên nhiên, 50% trữ lượng nằm ở vùng nước sâu xa bờ. 85% sản lượng của thị trường khí đốt phục vụ cho ngành điện. Đối với thị trường than, mỗi năm than nguyên khai khai thác khoảng 40 - 47 triệu tấn/năm, trong khi than thương phẩm sản xuất khoảng 37 - 45 triệu tấn/năm (chiếm 85 - 90% so với than nguyên khai). Sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện tăng hơn 2 lần từ khoảng 32 triệu tấn năm 2016 lên khoảng 70 triệu tấn năm 2021.

Trong giai đoạn tiếp theo, ngành dầu khí và than hướng tới mục tiêu chung bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời xây dựng và phát triển thị trường theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh theo từng giai đoạn có sự điều tiết của Nhà nước. 

Đối với thị trường điện, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã chia sẻ tại phiên họp về lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, với các cấp độ từ thị trường phát điện cạnh tranh (2012 - 2018), sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2019 trở đi) và giai đoạn 2021 - 2023 là giai đoạn thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trước khi chính thức áp dụng toàn diện. Các nội dung chính trong dự thảo Chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng (DPPA) cũng được trình bày tại phiên họp, trong đó nêu rõ quy mô thí điểm, đối tượng áp dụng, cách thức lựa chọn dự án thí điểm và quy trình triển khai thí điểm cho các đơn vị quan tâm. 

Các đối tác phát triển quốc tế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và nghiên cứu với lượng thông tin phong phú và chất lượng. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã báo cáo về các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) đối với Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc, cũng như kết quả nghiên cứu chuyên sâu về các kịch bản giảm nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện. Bên cạnh đó là những chia sẻ về thị trường carbon đến từ đại diện của Tổ chức quỹ châu Á và bài trình bày về cơ chế vận hành linh hoạt các nhà máy nhiệt điện than của Đan Mạch. 

Các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất những chủ đề trọng tâm của Nhóm công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng trong giai đoạn mới bao gồm: thị trường bán buôn điện cạnh tranh, hợp đồng mua bán điện trực tiếp, định hướng cho thị trường than, đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển cho các nguồn năng lượng tái tạo, điện khí LNG, hydogen xanh.

Việt Nam và Vương quốc Anh hợp tác thực hiện chuyển dịch năng lượng

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, ngày 25/5, tại Vương quốc Anh, khóa họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh (JETCO 12) được tổ chức với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An và Quốc vụ khanh Chính sách thương mại, Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Penny Mordaunt.

Tại khóa họp JETCO 12, hai bên đã có những thảo luận thực chất, thông nhất về nhiều vấn đề hợp tác thiết thực, cụ thể như: ngoại giao; COP26 và năng lượng tái tạo; nông sản, thực phẩm và đồ uống; công nghệ và công nghệ tài chính; chăm sóc sức khỏe và dược phẩm; giáo dục; công nghiệp; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại.

Cụ thể, về lĩnh vực năng lượng, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chủ đề về biện pháp hỗ trợ để Việt Nam từng bước thực hiện chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, phía Anh sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam về triển khai dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…

Vương quốc Anh sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam về triển khai dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi… (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại khóa họp, Quốc vụ khanh Penny Mordaunt khẳng định những vấn đề đã được trao đổi tại JETCO 12 thực sự thiết thực và cụ thể. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề đã thảo luận tại khóa họp này, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Cùng ngày 25/5, ngay sau khóa họp JETCO 12, phía Anh đã tổ chức chuỗi 2 sự kiện. Thứ nhất là Diễn đàn doanh nghiệp thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu Việt Nam và Anh thuộc một loạt các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, tài chính ngân hàng, dược phẩm và y tế, năng lượng... 

Thứ hai là Hội thảo bàn tròn về năng lượng tái tạo. Tại hội thảo, các doanh nghiệp Anh đã có cơ hội giới thiệu về năng lực và tiềm năng hợp tác về công nghệ, kỹ thuật và các nguồn vốn ưu đãi đầu tư; nhất là hỗ trợ trong việc khơi thông, thu hút các nguồn tài chính từ khu vực công - tư để thúc đẩy hợp tác đầu tư góp phần giúp Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới đạt cam kết của mình tại Hội nghị COP26.

Bến Tre: Khảo sát vị trí dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam tới khảo sát vị trí dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Dự án do Công ty TNHH TGS Green Hydrogen (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư.

Theo công ty, đây là công nghệ sản xuất hydro của Đức, còn rất mới tại thị trường Việt Nam. Dự án nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre được xây dựng gần biển. Dự kiến diện tích dự án là 22,7ha, trên đất công. Dự án được triển khai theo 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 19,5 ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào quý IV/2022 và bắt đầu chạy thử vào quý I/2024. Dự án sẽ góp phần giải quyết việc làm cho từ 500 - 1.000 lao động tại địa phương.

Trong giai đoạn 1, nhà máy tạo ra 24 ngàn tấn hydro/năm; 150 ngàn tấn ammonia/năm; 195 ngàn tấn khí oxy/năm. Giai đoạn 2, nhà máy tạo ra 60 ngàn tấn hydro/năm; 375 ngàn tấn ammonia/năm; 490 ngàn tấn khí oxy/năm. Việc triển khai nhà máy sản xuất hydro xanh được kỳ vọng sẽ mang đến cho Bến Tre cơ hội phát triển mới, trở thành đầu tàu trong công nghiệp năng lượng xanh trên cả nước và trong khu vực.

Ảnh minh họa

Tại vị trí khảo sát, hiện trạng đất nuôi trồng thủy sản, đang trong giai đoạn xử lý mặt bằng để làm lễ khởi công. Dự kiến thời gian bơm cát hoàn thành mặt bằng chuẩn bị lễ khởi công trong một tháng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đánh giá cao sự nỗ lực của nhà đầu tư trong công tác chuẩn bị các bước đầu tư dự án; đồng thời chỉ đạo Ba Tri xem xét hỗ trợ cho nhà đầu tư chuyển mục đích, bổ sung quy hoạch, chuyển đổi đất rừng…

Ngân Hà