Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 18/2022

Thứ hai, 16/5/2022 | 08:00 GMT+7
Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU với khoản viện trợ ODA không hoàn lại trị giá 142 triệu Euro khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và cam kết lâu dài của EU cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050.

EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bền vững

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, phiên họp lần thứ nhất và Lễ ra mắt Ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã công bố hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đã lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban để thực hiện các mục tiêu tuyên bố tại hội nghị COP26, trong đó chuyển đổi năng lượng là nhiệm vụ trọng yếu do lĩnh vực năng lượng chiếm đến 70% phát thải khí nhà kính”.

Phiên họp lần thứ nhất và Lễ ra mắt Ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU vừa diễn ra tại Hà Nội

Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Aliberti cũng khẳng định: “Liên minh châu Âu duy trì đầy đủ cam kết với Thỏa thuận Paris và đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Với những cam kết đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam về biến đổi khí hậu tại COP26 nhằm đạt được mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050 và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế, EU đã cung cấp một khoản tài trợ mới, rất đáng kể trị giá 142 triệu Euro để thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng bền vững vẫn ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của EU dựa trên nhu cầu cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu và kinh nghiệm vững chắc của EU trong quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Chương trình SETP với khoản viện trợ ODA không hoàn lại trị giá 142 triệu Euro khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và cam kết lâu dài của EU cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050. Nguồn ODA của chương trình sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ thuộc: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3); Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (REDS); Hệ thống Thông tin năng lượng Việt Nam (VEIS).

Lấy ý kiến về cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Dự thảo nêu rõ về quy mô thí điểm mua bán điện trực tiếp. Theo đó, tổng công suất các nhà máy điện tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW.

Hình thức, thời hạn đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp như sau:

Một đơn vị phát điện và một khách hàng hoặc liên danh khách hàng cùng nhau chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký theo hình thức đăng tải các tài liệu trong hồ sơ đăng ký (dạng file điện tử) trên cổng đăng ký của Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp do Bộ Công Thương công bố đồng thời gửi 01 bản giấy bằng phương thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính theo hướng dẫn trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp

Thời hạn thực hiện đăng ký là 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp. Cổng đăng ký được đóng lại khi hết thời hạn đăng ký.

Thời điểm xác nhận đăng ký thành công được xác định căn cứ theo hệ thống đếm giờ và thư điện tử xác nhận đăng ký thành công của cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn

Về triển khai thí điểm mua bán điện trực tiếp sẽ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị: trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố thí điểm mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp, các đơn vị phát điện và khách hàng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký tham gia trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp theo quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra khả năng bị giới hạn công suất phát điện của các nhà máy điện tại thời điểm đăng ký vào vận hành thương mại.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày đóng cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đánh giá, lựa chọn và công bố danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Giai đoạn vận hành thí điểm: trong thời gian cam kết tính từ ngày danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp được công bố, các đơn vị phát điện và khách hàng hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hợp đồng liên quan, hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo và đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại, tham gia thị trường điện để chính thức thực hiện các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp quy định.

Căn cứ kết quả vận hành các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp trong thời hạn 01 năm tính từ ngày kết thúc thời hạn các đơn vị phát điện đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện, Bộ Công Thương đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý, đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Năng lượng tái tạo hiện là công cụ chuyển đổi năng lượng tối ưu

Một phân tích mới đã chỉ ra rằng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu ngay hôm nay vẫn ít tốn kém hơn so với chuyển đổi từ than đá sang khí đốt. Như vậy, năng lượng tái tạo hiện là công cụ chuyển đổi năng lượng tối ưu.

Phân tích được tiến hành bởi tổ chức nghiên cứu phân tích khí hậu phi lợi nhuận TransitionZero. Kết quả phân tích mới cho thấy, giá carbon cần thiết để khuyến khích việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo và lưu trữ pin là -62USD/tấn CO2 vào năm 2022 so với 235USD/tấn CO2 đối với việc chuyển đổi từ than đá mới sang khí đốt, thì việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch có thể được triển khai ít tốn kém trên toàn cầu.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, chi phí năng lượng tái tạo đã giảm 99% kể từ năm 2010, điều này có nghĩa là khí đốt không còn là một công cụ chuyển đổi năng lượng thích hợp.

Trước đây, giá chuyển đổi nhiên liệu được phân tích thông qua giá than và giá sản xuất khí đốt, do khí đốt có mức phát thải carbon thấp hơn than. Do đó, khí đốt đã được sử dụng rộng rãi như một công cụ bắc cầu để chuyển đổi từ than đá sang các giải pháp thay thế có mức phát thải carbon thấp hơn. Tuy nhiên, với kịch bản không phát thải ròng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đặt ra rằng phải ngừng sử dụng than đá hoặc khí đốt vào năm 2035 ở các nền kinh tế tiên tiến và trên toàn cầu vào năm 2040 thì cách tiếp cận này chưa cân nhắc tới sự chuyển đổi khẩn cấp cần có trong sản xuất năng lượng sao cho phù hợp với Thỏa thuận Paris.

Dự án dữ liệu mở mới của TransitionZero có tên Chỉ số định giá than đá sang năng lượng sạch (C3PI) ước tính định giá carbon cần thiết để bỏ qua khâu chuyển đổi từ khí đốt và hỗ trợ hệ thống điện được cung cấp chủ yếu bằng năng lượng tái tạo, cụ thể, điện gió trên bờ và hệ thống năng lượng mặt trời cùng với pin lưu trữ. Chỉ số lưu ý rằng một số yếu tố bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, yếu tố địa chính trị và các quy định thị trường ngày càng cho thấy rõ hơn các vấn đề mất an toàn năng lượng liên quan đến than đá và khí đốt. Hơn nữa, TransitionZero lưu ý rằng, sự biến động này có thể sẽ tiếp diễn, có nghĩa là việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo hiện nay tiết kiệm hơn so với việc chuyển từ than sang khí đốt.

Hiện nay, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu vẫn ít tốn kém hơn so với chuyển đổi từ than đá sang khí đốt

Matt Gray, người đồng sáng lập và nhà phân tích tại TransitionZero nhận xét: “Bất chấp một số khác biệt khu vực, phân tích của chúng tôi cho thấy xu hướng giảm rõ ràng trong chi phí chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, đồng thời đặt ra câu hỏi về 615GW điện khí và 442GW điện than đã được đề xuất và đang được xây dựng trên toàn cầu. Xu hướng này sẽ tăng mạnh mà bất chấp chiến sự giữa Nga và Ukraine - mang lại cho các chính phủ cơ hội kinh tế để bảo vệ người tiêu dùng điện khỏi sự biến động liên tục của nhiên liệu hóa thạch. Để hiện thực hóa cơ hội này, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thực hiện một số cải cách, chẳng hạn như đẩy nhanh việc cấp phép”.

Ngân Hà