Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 23/2024

Thứ hai, 1/7/2024 | 08:00 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4295/VPCP-QHQT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính về việc triển khai các dự án thuộc Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững do Liên minh châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại.

Triển khai các dự án thuộc Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững do EU viện trợ

Công văn nêu: Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3528/BKHĐT-KTĐN ngày 9/5/2024 về triển khai các dự án thuộc Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU do EU viện trợ không hoàn lại, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến như sau:

Đối với tiểu hợp phần 1 của chương trình, Bộ Công Thương hướng dẫn các địa phương xây dựng danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn hỗ trợ ngân sách, làm rõ danh mục, địa bàn dự án cấp điện nông thôn bằng năng lượng tái tạo và cấp điện từ lưới điện quốc gia theo đúng mục tiêu, tiêu chí bố trí vốn cấp điện nông thôn, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn EU và vốn do địa phương bố trí. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh danh mục dự án tại tiểu hợp phần 1 trước ngày 15/7/2024.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024 về cơ chế thực hiện dự án cấp điện cho đảo An Sơn - Nam Du, tỉnh Kiên Giang tương tự cơ chế áp dụng đối với dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đối với tiểu hợp phần 2 của chương trình, Bộ Công Thương hoàn thiện danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ ngân sách, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024.

Căn cứ ngân sách thực tế đã được EU chuyển và mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư cụ thể theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các đơn vị đề xuất dự án thực hiện trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án theo quy định hiện hành về đầu tư công, làm cơ sở bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định.

Về cơ chế tài chính, cho phép áp dụng cơ chế cấp phát từ ngân sách nhà nước đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc chương trình.

Đối với dự án cấp điện cho đảo An Sơn - Nam Du, tỉnh Kiên Giang: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế thực hiện tương tự như cơ chế áp dụng đối với dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như nêu trên.

Cho phép triển khai đối với các dự án, nhiệm vụ đã hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện triển khai theo quy định, phù hợp với mục tiêu chương trình và phạm vi vốn viện trợ của EU có khả năng bố trí.

Bộ Công Thương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình giải ngân các tiểu dự án thuộc chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.

Đức hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam

Tại diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”, do Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho rằng, để thúc đẩy công nghệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần sự hợp tác từ ba phía là các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, đối tượng áp dụng các chính sách vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Dương cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực nội địa về công nghệ để chuyển dịch năng lượng thành công.

Thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng tái tạo

Đánh giá về triển vọng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam, T.S. Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đức là rất lớn.

Ông Fabian chia sẻ: “Tại Đức, chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp thành công trong việc tạo ra những công nghệ năng lượng có giá cả phải chăng, phù hợp với thị trường. Chúng tôi đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh tại đây. Các doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường đầu tư vào đây và luôn sẵn sàng chia sẻ những công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam. Những công nghệ đổi mới sáng tạo đã được chứng tỏ là có hiệu quả cao và đã hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch năng lượng của chúng tôi cũng như nhiều nước khác nữa. Các dạng năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng sẽ định hình thế giới mới của chúng ta. Quá trình chuyển dịch năng lượng cần sự hợp tác từ các cơ quan nhà nước và tư nhân. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để trong tương lai chúng ta có nhiều thành công hơn nữa trong quá trình chuyển dịch năng lượng”. Ông Fabian nhấn mạnh công nghệ là chìa khóa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Chính phủ CHLB Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam và Singapore ký kết hợp tác chiến lược về phát triển năng lượng sạch

Mới đây, tại TPHCM, Tập đoàn Hoa Sen và SP Group (Singapore) ký kết hợp tác chiến lược về phát triển bền vững năng lượng sạch tại các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen.

Theo biên bản ký kết, Tập đoàn Hoa Sen và SP Group sẽ hợp tác chiến lược về việc phát triển bền vững năng lượng sạch tại các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen trên toàn quốc. Tập đoàn Hoa Sen xác định phát triển bền vững phải gắn liền với bảo vệ môi trường và việc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch là một phần rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và dài hạn của tập đoàn, đồng thời đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam.

Tập đoàn Hoa Sen ký kết hợp tác chiến lược với SP Group (Singapore) về phát triển năng lượng sạch

Ông Brandon Chia, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Australia, giải pháp năng lượng bền vững, SP Group cho biết: Sự hợp tác lần này thể hiện cam kết của doanh nghiệp Singapore trong hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch bằng cách thúc đẩy việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen.

Bên cạnh sử dụng nguồn năng lượng sạch, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm mục tiêu quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ đó làm giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tập đoàn chủ động tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc quản lý năng lượng hiệu quả và ý thức bảo vệ môi trường cho tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty.

Ngân Hà