Công văn nêu: Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3528/BKHĐT-KTĐN ngày 9/5/2024 về triển khai các dự án thuộc Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU do EU viện trợ không hoàn lại, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến như sau:
Đối với tiểu hợp phần 1 của chương trình, Bộ Công Thương hướng dẫn các địa phương xây dựng danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn hỗ trợ ngân sách, làm rõ danh mục, địa bàn dự án cấp điện nông thôn bằng năng lượng tái tạo và cấp điện từ lưới điện quốc gia theo đúng mục tiêu, tiêu chí bố trí vốn cấp điện nông thôn, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn EU và vốn do địa phương bố trí. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh danh mục dự án tại tiểu hợp phần 1 trước ngày 15/7/2024.
Yêu cầu các cơ quan chủ quản dự án tại các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công, làm cơ sở gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024 về cơ chế thực hiện dự án cấp điện cho đảo An Sơn - Nam Du, tỉnh Kiên Giang tương tự cơ chế áp dụng đối với dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với tiểu hợp phần 2 của chương trình, Bộ Công Thương hoàn thiện danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ ngân sách, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024.
Căn cứ ngân sách thực tế đã được EU chuyển và mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư cụ thể theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các đơn vị đề xuất dự án thực hiện trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án theo quy định hiện hành về đầu tư công, làm cơ sở bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định.
Về cơ chế tài chính, cho phép áp dụng cơ chế cấp phát từ ngân sách nhà nước đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc chương trình.
Đối với dự án cấp điện cho đảo An Sơn - Nam Du, tỉnh Kiên Giang: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế thực hiện tương tự như cơ chế áp dụng đối với dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như nêu trên.
Cho phép triển khai đối với các dự án, nhiệm vụ đã hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện triển khai theo quy định, phù hợp với mục tiêu chương trình và phạm vi vốn viện trợ của EU có khả năng bố trí.
Bộ Công Thương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình giải ngân các tiểu dự án thuộc chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo, kiến nghị tại văn bản nêu trên, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, bổ sung điều khoản về xử lý chuyển tiếp đối với hỗ trợ ngân sách có mục tiêu khi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 4/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.