Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 29/2022

Thứ hai, 1/8/2022 | 08:45 GMT+7
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Kiến nghị cho phép dự án điện gió, điện mặt trời đàm phán giá bán với EVN 

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (những dự án còn dở dang, không kịp hưởng giá FIT).

Theo thống kê của EVN và các địa phương, trong tổng số 78.121 MW công suất lắp đặt nguồn điện hiện có trên toàn quốc có 16.545 MW điện mặt trời (gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà) cùng 4.126 MW điện gió đã vào vận hành, đã được hưởng giá FIT (giá mua điện ưu đãi) theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, vẫn có nhiều dự án, hoặc phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT; trong số đó có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện. Ngoài ra, cũng có một số dự án khác đang triển khai dở dang. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, cần thiết phải xác định cơ chế giá điện cho các dự án.

Bộ Công Thương kiến nghị cho phép nhà đầu tư dự án điện gió đàm phán giá bán với EVN

Bộ này đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ 4 vấn đề để giải quyết dứt điểm cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời định hướng cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai.

Cụ thể, với các dự án án chuyển tiếp, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đã được báo cáo tại văn bản số 17 (ngày 27/1/2022). Nghĩa là nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Với các dự án điện gió và mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, Bộ này đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như các dự án chuyển tiếp như nêu trên. Điều này là nhằm đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Còn đối với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công Thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán - bên mua - người tiêu dùng điện và nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ các Quyết định số 13 về cơ chế phát triển điện mặt trời, Quyết định 37 và Quyết định số 39 về cơ chế phát triển điện gió. Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị dự thảo Quyết định, xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để triển khai kết quả Hội nghị COP26

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Một trong các mục tiêu cụ thể của Đề án là đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 20% lượng hấp thụ carbon, 60,7% trong xử lý chất thải, 38,3% trong các quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ carbon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi.

Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon

Xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động ở các khu vực có tiềm năng. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch; tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế.

Phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải như sản xuất nhiên liệu hydro xanh, amonia xanh... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng gồm pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao.

Xây dựng, tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu và các sáng kiến quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng. Điều tra các loại khoáng sản, nghiên cứu phát triển vật liệu, công nghệ mới để chuyển tải, lưu trữ năng lượng.

Phát triển năng lượng sạch để góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng.

Theo đó, về cung cấp năng lượng: đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tiếp tục phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; mở rộng một số thủy điện vừa và lớn để phát huy tối đa hiệu quả của thủy điện. Nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, phát triển các công nghệ nhiên liệu hydro, amoniac, công nghệ năng lượng thủy triều, sóng biển. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát

Chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035. Từng bước áp dụng công nghệ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, không phát thải đối với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiến tới giảm tối đa lượng nhiên liệu hóa thạch cho phát điện vào năm 2050. Xem xét phát triển điện hạt nhân với công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn vào thời điểm phù hợp.

Phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng gồm pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt… và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao. Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối năng lượng để tăng hiệu quả, giảm tổn thất và hỗ trợ tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon (CCS) cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Về sử dụng năng lượng: tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng. 

Tăng tỷ trọng thâm nhập của các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, hiệu suất cao trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, thương mại. Nâng cao hiệu suất lò hơi, động cơ điện, cấp nhiệt, làm mát tập trung và các thiết bị điện. Từng bước sử dụng hydro thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong các ngành dịch vụ, thương mại. Điện khí hóa nông nghiệp và sử dụng thiết bị hiệu quả năng lượng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sau thu hoạch.

Xây dựng công trình, nhà ở chống nắng nóng, sử dụng các giải pháp làm mát xanh, dựa vào tự nhiên để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, sử dụng vật liệu ít phát thải khí nhà kính, vật liệu tái chế. Xây dựng và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng tòa nhà. 

Đẩy mạnh giải pháp hiệu quả năng lượng và mô hình kinh doanh sáng tạo cho các thiết bị làm mát và điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng thông minh. Nâng cao hiệu suất năng lượng của thiết bị và hệ thống chuỗi lạnh, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo cho hệ thống cung ứng và bảo quản lạnh.

Sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải thông qua áp dụng các tiêu chuẩn tiêu hao nhiên liệu và định mức phát thải. Xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông; tăng dần tỷ lệ phương tiện giao thông điện, hydro. Phát triển ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, sản xuất và lưu hành phương tiện giao thông sử dụng điện, hydro; sản xuất pin thế hệ mới, chất bán dẫn tiết kiệm năng lượng; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xanh...

Ngân Hà