Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 38/2024

Thứ hai, 14/10/2024 | 08:00 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh tại Việt Nam về triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

EU và Vương quốc Anh tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai thực hiện JETP

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập những nhóm công tác chuyên trách với các nhiệm vụ riêng biệt về phát triển điện gió ngoài khơi; phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; hệ thống lưu trữ năng lượng; lưới điện thông minh; đào tạo, nâng cao năng lực cho chuyển dịch năng lượng; chuyển dịch nhà máy nhiệt điện than; phát triển hydrogen xanh; tổng hợp những dự án năng lượng đã được thông qua nằm trong Quy hoạch điện VIII và nhận được sự hỗ trợ từ JETP.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ thông tin về kế hoạch chuyển dịch năng lượng theo Quy hoạch điện VIII đối với các mục tiêu liên quan đến JETP.

Chuyển dịch năng lượng góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị EU, Vương quốc Anh tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật giúp Bộ Công Thương nói riêng và Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Tibor Stelbaczky, cố vấn chính về ngoại giao năng lượng, đặc phái viên về JETP của EU, để đạt được mục tiêu dài hạn trong JETP và chuyển đổi xanh cần có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và người dân; huy động đa dạng các nguồn lực và tạo ra khung quy định để hiện thực hóa mục tiêu. Vương quốc Anh và EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về chuyên môn kỹ thuật, công nghệ cũng như phương thức huy động nguồn lực cần thiết từ những quốc gia đối tác toàn cầu.

Nghiên cứu, bổ sung thêm nguồn điện tái tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 7329/VPCP-CN ngày 8/10/2024 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thông tin báo điện tử VnExpress phản ánh về Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo đó, báo điện tử VnExpress phản ánh thông tin: "Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) mới ban hành thì theo thống kê hiện nay chỉ áp dụng với đối tượng là 7.000 khách hàng thuộc diện khách hàng lớn, tiêu thụ điện trung bình 200.000 kWh/tháng trong khi có hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ hơn có nhu cầu DPPA".

Ảnh minh họa

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nghiên cứu kỹ Quy hoạch điện VIII để bổ sung thêm nguồn điện tái tạo, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện công khai minh bạch phục vụ cho tăng trưởng xanh, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường yêu cầu phải sử dụng năng lượng sạch, cho giai đoạn mùa khô 2025.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì cuộc họp cùng với các cơ quan chức năng để triển khai sớm việc rà soát, bổ sung Quy hoạch điện VIII trong tháng 10 năm 2024 và các văn bản liên quan kèm theo.

IEA: Thế giới sẽ bổ sung hơn 5.500 GW công suất năng lượng tái tạo mới từ năm 2024 đến năm 2030

Báo cáo “Năng lượng tái tạo 2024”, ấn phẩm hàng năm tiêu biểu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, thế giới sẽ bổ sung hơn 5.500 GW công suất năng lượng tái tạo mới từ năm 2024 đến năm 2030, gần gấp ba lần mức tăng trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023.

Về công nghệ, năng lượng mặt trời được dự báo sẽ chiếm tới 80% mức tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu từ nay đến năm 2030 nhờ vào việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời lớn mới cũng như gia tăng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà bởi các công ty và hộ gia đình. Và mặc dù còn nhiều thách thức, ngành năng lượng gió cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi với tốc độ mở rộng tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 so với giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023.

Kết quả của những xu hướng này là gần 70 quốc gia, chiếm 80% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đang trên đà đạt được hoặc vượt qua các mục tiêu năng lượng tái tạo hiện tại vào năm 2030. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của gần 200 chính phủ đã đặt ra tại Hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu vào tháng 12 năm 2023 để tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập kỷ này. Báo cáo dự báo công suất toàn cầu sẽ đạt mức 2,7 lần so với năm 2022 vào năm 2030.

IEA dự báo, thế giới sẽ bổ sung hơn 5.500 GW công suất năng lượng tái tạo mới từ năm 2024 đến năm 2030, gần gấp ba lần mức tăng trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023

Nhưng phân tích của IEA chỉ ra rằng, việc đạt được mục tiêu tăng gấp ba lần hoàn toàn có thể nếu các chính phủ hành động ngay trong thời gian ngắn. Điều này bao gồm việc đưa ra các kế hoạch táo bạo trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tiếp theo theo Hiệp định Paris, dự kiến vào năm tới và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hạ thấp chi phí tài chính cao tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, vốn đang kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo ở những khu vực tiềm năng cao như châu Phi, Đông Nam Á.

Ngân Hà