Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 40/2022

Thứ hai, 17/10/2022 | 08:00 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn năng lượng AES (Hoa Kỳ).

Thủ tướng tiếp lãnh đạo Tập đoàn năng lượng AES

AES là tập đoàn năng lượng nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa kỳ do tạp chí Fortune bình chọn và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. AES có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện, xây dựng hạ tầng trong ngành công nghiệp khí trên thế giới.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của Tập đoàn AES tại Việt Nam trong thời gian qua; đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch nhằm đóng góp cho quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn năng lượng AES. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích kế hoạch, ý tưởng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của Tập đoàn AES cùng các đối tác có năng lực và uy tín tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ các vấn đề đặt ra để các dự án đầu tư của Tập đoàn AES bảo đảm khả thi, hiệu quả và thành công, hợp tác đầu tư bền vững, lâu dài trên cơ sở "lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ", phù hợp các quy định pháp luật và định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam. 

Ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn năng lượng AES thông báo về tiến độ, tình hình triển khai các dự án tại Việt Nam; cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan phía Việt Nam với các dự án và đề xuất một số ý tưởng hợp tác mới như dự án điện gió ngoài khơi (4GW) tại tỉnh Bình Thuận và dự án hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS)…

Ông Juan Ignacio Rubiolo bày tỏ kỳ vọng Việt Nam có thể đi đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông khẳng định, AES sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài với mong muốn trở thành đối tác đóng góp tích cực để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần xây dựng một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng với nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có tự chủ về năng lượng, nâng cao năng lực ứng phó với các cú sốc bên ngoài như cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu như hiện nay.

Hoàn thành giai đoạn 1 công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc

Ngày 14/10, tại tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức Lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1 công trình đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc.

Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỷ đồng. Quy mô công trình gồm: 2 mạch có tổng chiều dài 80,4km, 169 vị trí cột. Trong đó, đoạn trên bờ thuộc huyện Kiên Lương dài 12,8km với 39 vị trí cột; đoạn trên biển dài 64,7km với 117 vị trí cột; đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9km với 13 vị trí cột, với thiết kế cột tháp sắt 2 mạch trên không mạ và sơn chống muối biển, tiết diện dây dẫn phân pha 2xAACKP-400/95.

Đồng bộ với công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc giai đoạn 1, vận hành ở cấp điện áp 110kV còn có: công trình trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc, công suất thiết kế là 2 máy x 63MVA, giai đoạn đầu lắp 1 máy 63MVA và phần đường dây đấu nối 2 mạch, có 5 vị trí cột, đấu nối từ vị trí tiếp bờ của đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc với trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc.

Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc 

Việc hoàn thành công trình đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV đã kịp thời san tải cho đường cáp ngầm 110kV hiện hữu hiện đang vận hành ở mức tải dần tăng cao, khi công suất phụ tải đỉnh có lúc tăng lên đến 103 MW, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng và độ tin cậy cao cho thành phố đảo.

Giai đoạn tiếp theo, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã và đang triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22kV - 110kV - 220kV bao gồm: dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc vay vốn KfW (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức), hoàn thành phần còn lại của đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc, trạm ngắt 110kV Phú Quốc, đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc, trạm biến áp 110kV Bắc Phú Quốc theo đúng quy hoạch điện lực đã được phê duyệt.

Ký kết hợp đồng EPC Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Tại TPHCM, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) và Công ty CP Năng lượng Sinh khối Hậu Giang (HBE) đã vừa ký kết hợp đồng EPC và hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành (O&M) cho Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang.

Lễ ký kết là sự kiện quan trọng trong tiến trình xây dựng dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang - nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất được dự kiến đi vào vận hành đầu tiên tại Việt Nam. 

Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang có quy mô công suất 20MW do HBE đầu tư. Dự án được xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với quy mô sử dụng đất khoảng trên 10ha bao gồm 2 tổ máy độc lập (2 lò hơi, 2 tuabin, 2 máy phát) và một số hạng mục phụ trợ dùng chung. 

Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa carbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận.

Lễ ký kết hợp đồng EPC và hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành cho Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Dự án khi đi vào vận hành có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu đầu vào sản xuất điện năng phù hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. 

Về mặt kinh tế và xã hội, dự án góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới thu gom, vận chuyển, sơ chế nhiên liệu sinh khối; thu hút thêm vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo lẫn trong nước và ngoài nước, đồng thời giúp tăng thêm thu nhập cho người nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngân Hà