Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 40/2024

Thứ hai, 28/10/2024 | 08:00 GMT+7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Nghị định có hiệu lực từ ngày được ban hành.

Ban hành nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Chính phủ đã ban hành nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Theo nghị định, các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ như sau:

Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp sau:

Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;

Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;

Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.

Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.

Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ; công sở và công trình được xác định là tài sản công được xác định là thiết bị công nghệ gắn vào công trình xây dựng…

Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ.

Theo quyết định 2719/QĐ-BCT ngày 15/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ do ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực làm tổ trưởng.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ

Tổ công tác có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng cơ chế khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2024 bao gồm nội dung sau:

Phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ.

Số liệu tính toán khung giá nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió kết hợp hệ thống pin lưu trữ trên cơ sở số liệu do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện năng lượng hoặc từ các công ty tư vấn cung cấp.

Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Doanh nghiệp Anh tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Trong tuần lễ từ ngày 20 - 24/10, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Anh tại TPHCM đã tổ chức chuyến thăm của Phái đoàn Thương mại Năng lượng Anh tới Việt Nam.

Phái đoàn gồm 17 doanh nghiệp Anh tiêu biểu thuộc chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi, hydro xanh và lưu trữ năng lượng đã có 5 ngày làm việc tại TPHCM và Hà Nội nhằm tìm hiểu cơ hội thị trường, kết nối với các đối tác tiềm năng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Phái đoàn Thương mại Năng lượng Anh đến thăm Việt Nam, nối tiếp thành công của chuyến thăm vào tháng 11/2023.

Hội thảo “Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển dự án và chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi”

Phái đoàn Thương mại Năng lượng Anh tới Việt Nam được dẫn đầu bởi Phó Cao ủy Thương mại Anh tại Đông Nam Á Rhiannon Harries đã tham gia Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024) được tổ chức bởi Phòng Thương mại châu Âu. Tại diễn đàn, các chuyên gia đã tham gia đóng góp kinh nghiệm và sáng kiến cho quá trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, phái đoàn cũng làm việc cùng Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và các doanh nghiệp tư nhân cùng Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Đồng thời, phái đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Công Thương Việt Nam tại hội thảo “Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển dự án và chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi” được đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Phó Đại sứ Anh Marcus Winsley.

Hội thảo thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc trở thành đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong tiến trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời mở ra các cơ hội thương mại song phương.

Ngân Hà