Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 39/2024

Thứ hai, 21/10/2024 | 08:00 GMT+7
Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2024 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh, để năng lượng sạch tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, cần có đầu tư lớn hơn vào các hệ thống năng lượng mới, đặc biệt là vào lưới điện và lưu trữ năng lượng.

Cần đầu tư lớn hơn vào lưới điện và lưu trữ năng lượng để tiếp tục phát triển năng lượng sạch

Báo cáo đưa ra dự báo dựa trên các chính sách hiện nay cho thấy thế giới đang chuẩn bị bước vào một bối cảnh thị trường năng lượng mới trong những năm tới với những nguy cơ địa chính trị tiếp diễn nhưng cũng có nguồn cung dồi dào về nhiều loại nhiên liệu và công nghệ. Điều này bao gồm sự dư thừa nguồn cung dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang xuất hiện trong nửa cuối thập niên 2020, cùng với việc gia tăng năng lực sản xuất các công nghệ năng lượng sạch quan trọng, đặc biệt là năng lượng mặt trời và pin lưu trữ.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Trong nửa cuối thập kỷ này, viễn cảnh có nguồn cung dồi dào hoặc thậm chí dư thừa dầu và khí tự nhiên, tùy thuộc vào cách căng thẳng địa chính trị phát triển sẽ đưa chúng ta vào một thế giới năng lượng rất khác so với những gì chúng ta đã trải qua trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu những năm gần đây”.

Để năng lượng sạch tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, cần có đầu tư lớn hơn vào các hệ thống năng lượng mới, đặc biệt là vào lưới điện và lưu trữ năng lượng

Theo báo cáo, để năng lượng sạch tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, cần có đầu tư lớn hơn vào các hệ thống năng lượng mới, đặc biệt là vào lưới điện và lưu trữ năng lượng. Hiện nay, cứ mỗi đô la chi cho năng lượng tái tạo thì có 60 xu được chi cho lưới điện và lưu trữ, điều này cho thấy cơ sở hạ tầng hỗ trợ chưa theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Việc giảm phát thải khí carbon trong ngành điện một cách an toàn đòi hỏi phải đầu tư vào lưới điện và lưu trữ tăng nhanh hơn cả việc sản xuất năng lượng sạch; tỷ lệ đầu tư cần cân bằng lại ở mức 1:1. Nhiều hệ thống điện hiện đang dễ bị tổn thương trước sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặt nặng vào việc tăng cường khả năng chống chịu và an ninh kỹ thuật số của chúng.

Quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành thông tư số 20/2024/TT-BCT ngày 10/10/2024 quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối.

Thông tư số 20/2024/TT-BCT có 4 chương, 12 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024 và được áp dụng sau khi bãi bỏ các quy định về giá điện hỗ trợ (FIT) cho các loại hình dự án điện sinh khối, sử dụng chất thải rắn tại những văn bản hiện hành.

Đối tượng áp dụng của thông tư là các nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối được xác định trong dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của nhà máy điện chuẩn.

Trong đó, nhà máy điện chuẩn là nhà máy điện chất thải hoặc nhà máy điện sinh khối đã được lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có quy mô công suất phổ biến, đại diện cho loại hình nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối, được sử dụng để tính toán khung giá phát điện.

Ảnh minh họa

Giá phát điện của nhà máy điện chuẩn được xác định theo ba thành phần chính. Trong đó, giá cố định bình của nhà máy điện chuẩn, đây là thành phần để thu hồi chi phí đầu tư, được xác định theo chi phí vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện chuẩn (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy đổi đều hàng năm, với điện năng giao nhận bình quân nhiều năm của nhà máy điện chuẩn.

Giá vận hành và bảo dưỡng cố định của nhà máy điện chuẩn là thành phần để thu hồi chi phí sửa chữa lớn, nhân công và các chi phí khác hàng năm.

Giá biến đổi của nhà máy điện chuẩn cho năm áp dụng khung giá là thành phần để thu hồi chi phí nhiên liệu, các chi phí biến đổi khác của nhà máy điện với số giờ vận hành công suất cực đại.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đề xuất lựa chọn nhà máy điện chuẩn, tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số và tính toán giá phát điện của nhà máy điện chuẩn, lập hồ sơ trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định.

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và tổ chức thẩm định khung giá phát điện, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực.

Tập đoàn Hoa Kỳ đề xuất tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Tập đoàn Pacifico Energy (Hoa Kỳ).

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói chung và Tập đoàn Pacifico Energy nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như mong muốn Pacifico Energy tiếp tục thúc đẩy triển khai những dự án hiện tại và trong tương lai sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn nữa tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc

Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy William Nathan Franklin đề xuất tham gia dự án thí điểm nhà máy điện gió ngoài khơi Bộ Công Thương đang xây dựng. Theo đó, Pacifico Energy đã phối hợp với Viettel xây dựng báo cáo dự án và đề xuất tới Bộ Công Thương thực hiện khảo sát dự án thí điểm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Pacifico Energy cũng cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và đồng hành cùng Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo.

Ông William Nathan Franklin chia sẻ: Chúng tôi cam kết mở rộng đầu tư với giá trị hàng tỷ USD và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng và pháp luật của Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các đề xuất hợp tác của Tập đoàn Pacifico Energy. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế đồng thời căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương sẽ thông tin và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Ngân Hà