Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 4/2023

Thứ hai, 30/1/2023 | 08:00 GMT+7
Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng…

Việt Nam kêu gọi đầu tư vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53 tại Davos (Thụy Sỹ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại cuộc đối thoại với các tập đoàn, quỹ đầu tư về chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, tài chính xanh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, Việt Nam có nhu cầu hợp tác về chuyển đổi số, khai thác tài nguyên số.

Thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp

Phó Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ Việt Nam về tăng trưởng xanh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết tại Hội nghị COP26 cũng như huy động thêm vốn trên nền tảng thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi và quan tâm của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư tham gia đối thoại bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với cam kết "Net-Zero" tại Hội nghị COP26 cũng như tiến trình đàm phán thiết lập thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế mong muốn sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam triển khai các dự án xanh tại Việt Nam trong tương lai.

Sản lượng điện tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão giảm hơn 30%

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia bình quân ngày chỉ ở mức khoảng 24.300 MW, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày ở mức khoảng 440,6 triệu kWh/ngày.

Số liệu thống kê cho thấy, mức tiêu thụ điện trên cả nước trong dịp Tết Quý Mão 2023 giảm 30,3% so với ngày thường của tuần trước Tết. Đồng thời, mức tiêu thụ điện bình quân ngày trong dịp Tết Quỹ Mão 2023 cũng thấp hơn cùng kỳ dịp Tết Nhâm Dần 2022 khoảng 9,2%.

Mức tiêu thụ điện trên cả nước trong dịp Tết Quý Mão 2023 giảm 30,3% so với ngày thường của tuần trước Tết

Như đã dự báo trước đó, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán đã giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Theo số liệu thống kê thực tế, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão công suất tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa đã giảm ở mức còn khoảng 15.500 MW, giờ thấp điểm đêm chỉ còn khoảng 13.600 MW, tương ứng mức khoảng 60% so với ngày bình thường.

Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc vào khoảng 21.000 MW (bao gồm gần 16.200 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió), chiếm tỷ lệ 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện là khoảng 77.800 MW.

Như vậy, chỉ riêng về nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện toàn hệ thống trong các giờ thấp điểm của ngày Tết. Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 32/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động của ngành công thương với 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, thứ nhất, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng nhập khẩu năng lượng sơ cấp và đối với công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1... đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023. Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ.

Thứ hai, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023 gồm: năng lượng, điện, khoáng sản, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia… thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của ngành công thương; kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn thải, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng. Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, sẵn sàng đón dòng vốn hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với G7 và các đối tác quốc tế vào lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, chuyển đổi xanh. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố môi trường.

Thứ sáu, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Quyết định cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị thuộc ngành công thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên.

Ngân Hà