Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 45/2020

Thứ hai, 16/11/2020 | 09:21 GMT+7
TP Hà Nội rà soát tiến độ triển khai các dự án điện rác; Học viện Nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) sẽ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trước hết tập trung vào việc phát triển nông nghiệp dưới hệ thống pin mặt trời hiện đang sử dụng của Trungnam Group... là một số tin tức năng lượng nổi bật trong tuần qua.

TP Hà Nội rà soát tiến độ triển khai các dự án điện rác

Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành văn bản số 529/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng tại cuộc họp kiểm tra tiến độ các dự án nhà máy xử lý rác phát điện trên địa bàn TP.

Theo đó, qua kiểm tra, rà soát cho thấy tiến độ triển khai các dự án nhà máy xử lý rác phát điện trên địa bàn TP quá chậm; nhà đầu tư thực hiện không đúng cam kết với TP, chưa đạt yêu cầu về tiến độ, có dự án còn chưa xong thủ tục chuẩn bị đầu tư... Chủ trương chung của TP là tập trung kiểm tra, rà soát, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành để giải quyết bức xúc về xử lý rác thải hiện nay. Đối với các dự án chậm triển khai, không đủ năng lực thì kiên quyết thu hồi, khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác.

Sau khi xem xét báo cáo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo: với dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (chủ đầu tư là Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội), UBND TP yêu cầu các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Quy hoạch - Kiến trúc; Y tế; Cục Thuế TP; Công an TP; UBND huyện Sóc Sơn phối hợp, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Bí thư Thành ủy; yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực, khẩn trương đầu tư xây dựng nhà máy, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn để vận hành, khai thác vào tháng 1/2021.

TP Hà Nội rà soát tiến độ triển khai các dự án điện rác

Với dự án điện rác Seraphin (chủ đầu tư là Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin): đây là dự án trọng điểm của TP, đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư. UBND TP giao các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính phối hợp, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư khẩn trương thực hiện theo tiến độ, yêu cầu khởi công đầu quý I/2021, hoàn thành trong thời gian trước 20 tháng.

Với dự án xử lý rác thải thu hồi điện tại Xuân Sơn (chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T và Công ty Hitachi Zosen Coporation): giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các đề nghị của nhà đầu tư, phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết (nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án và tổ chức kinh tế thực hiện dự án không góp vốn), thực hiện trong tháng 11/2020. Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không đề xuất được phương án giải quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND TP xem xét, chấm dứt chủ trương đầu tư theo quy định.

Với dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng tại Xuân Sơn (chủ đầu tư là Công ty TNHH Indovin Power); dự án khu xử lý rác thải Châu Can, huyện Phú Xuyên (chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long): giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, báo cáo UBND TP trước ngày 15/12/2020.

Với dự án khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, UBND huyện Chương Mỹ nghiên cứu ý kiến của nhân dân thôn Đồng Ké để xác định hướng tuyến đường vào khu xử lý chất thải hợp lý, hạn chế ảnh hưởng đến dân sinh; nghiên cứu dải cây xanh hai bên đường để bảo đảm môi trường (thực hiện điều chỉnh nếu cần thiết), hoàn thành trước ngày 20/11/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chương Mỹ khẩn trương rà soát hồ sơ khu đất giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của UBND TP; báo cáo các phương án, đề xuất thủ tục bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 179.658m2 đất thuộc khu vực dự án, hoàn thành trước ngày 20/11/2020.

Nâng cao năng lực cho cán bộ tuyên truyền về năng lượng tái tạo 

Tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU (EVEF) vừa tổ chức Lễ ký kết dự án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp trong công tác thông tin, định hướng tuyên truyền về phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng ở Việt Nam”. Dự án nằm trong gói hỗ trợ kỹ thuật thuộc tiểu hợp phần 1B của dự án EVEF.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên trung ương và địa phương về những tiềm năng, lợi thế và khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam; giúp cán bộ tuyên giáo làm tốt hơn công tác tham mưu cho cấp ủy và lãnh đạo các cấp trong hoạch định chủ trương, chính sách, làm tốt hơn công tác định hướng, thông tin tuyên truyền về năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng tại các địa phương, đơn vị. Dự án dự kiến tổ chức 03 khóa tập huấn cho khoảng 700 đến 750 cán bộ tuyên giáo, các báo cáo viên, tuyên truyền viên của 63 tỉnh/thành phố.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định việc phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng là một xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn tới các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức, tổ chức GIZ đã hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đồng thời, cam kết phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các hoạt động của dự án, tổ chức thành công 03 khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, để sau khóa tập huấn, đội ngũ này sẽ là nòng cốt tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa những kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Lễ ký kết dự án

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định cam kết của EU: "Năng lượng là một trong những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tiếp cận năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đối thoại chính sách ngành năng lượng, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ đầu tư vào năng lượng, EU hiện đang cung cấp khoản tài trợ lên tới 250 triệu Euro với mong muốn hỗ trợ phát triển ngành năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Chúng tôi vui mừng chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng Việt Nam, đây là một trong những thành công đáng chú ý nhất của một nước đang phát triển. 

Tôi cho rằng, đây là thời điểm rất thích hợp để bắt đầu dự án Nâng cao năng lực cho các cán bộ Tuyên giáo. Tôi tin rằng với tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả của Việt Nam cùng với cam kết và thiện chí lớn, tiến trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sẽ thành công. EU cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam”.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc dự án EVEF chia sẻ: "Dự án hỗ trợ kỹ thuật này có thể góp phần cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho sự phát triển bền vững ngành năng lượng tại Việt Nam. Những cán bộ này có thể giúp Đảng tuyên truyền hiệu quả các định hướng chính sách trở thành những hành động cụ thể và kết quả thiết thực như đầu tư xanh, cơ hội việc làm mới và cải thiện sinh kế của người dân. Tôi tin tưởng rằng cơ hội hợp tác và trao đổi lần này với Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ thành công rực rỡ và sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành năng lượng tại Việt Nam".

Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai với sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương.

Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định của Việt Nam (NDCs).

Hợp tác phát triển nông nghiệp dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) sẽ hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trước hết tập trung vào việc phát triển nông nghiệp dưới hệ thống pin mặt trời hiện đang sử dụng của Trungnam Group.

Cụ thể, mới đây, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với UBND tỉnh Ninh Thuận và Trungnam Group đã diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, các bên thống nhất hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trước hết tập trung vào việc phát triển nông nghiệp dưới hệ thống pin mặt trời hiện đang sử dụng của Trungnam Group. Dự án này nhằm tận dụng hiệu quả tài nguyên đất đai để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị và môi trường sinh thái bền vững.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, việc ký thỏa thuận hợp tác toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với Học viện, giúp công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện được đẩy mạnh, khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế hiện có; thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Bà Lan cho rằng, thỏa thuận hợp tác toàn diện cũng mở ra sự phát triển mới cho các bên khi ưu tiên sử dụng những dịch vụ của nhau và hỗ trợ tư vấn xây dựng chiến lược, quản trị để phát triển bền vững.

Các bên đã cùng thống nhất nhiệm vụ khoa học và công nghệ gồm: ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật trồng và chế biến cỏ công nghiệp dưới hệ thống pin mặt trời làm thức ăn cho bò và cừu tại Ninh Thuận; ứng dụng công nghệ sinh sản để cải tạo, nhân nhanh đàn bò chất lượng cao tại Ninh Thuận. Bên cạnh đó, các bên cũng thống nhất hợp tác nghiên cứu phát triển, thiết kế mô hình tấm pin năng lượng mặt trời phù hợp để có thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dưới tấm pin. Nghiên cứu thiết kế xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn Spirulina ngoài trời hoặc dưới mái che tấm pin năng lượng mặt trời để làm thực phẩm chức năng cho người và thức ăn bổ sung cho tôm giống tại Ninh Thuận. Nghiên cứu thiết kế mô hình pin năng lượng mặt trời phù hợp để chăn nuôi (bò, cừu, gà…) dưới tấm pin. Đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ngoài ra, các bên cũng thống nhất phối hợp hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận để triển khai một số nhiệm vụ trong đề án “Phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao và ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Ninh Thuận”. Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận, Trungnam Group và Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ lựa chọn các nhiệm vụ trong đề án tổng thể và phối hợp thực hiện. Qua đó, nhằm khai thác tốt nhất nguồn lực của các bên và lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn để phát triển nông nghiệp, nông thôn cả về kinh tế, xã hội và đặc biệt là ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu của tỉnh Ninh Thuận. Từ đó, từng bước hỗ trợ nền nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận phát triển hiệu quả và bền vững.

PV