Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 42/2020

Thứ hai, 26/10/2020 | 09:05 GMT+7
Lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước công suất 50 MWp đã vừa diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận.

Khánh thành Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước

Dự án Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước nằm trên địa bàn xã Phước Thái và Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có diện tích 58,7 ha, tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng. Đây là dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến bậc nhất hiện nay với hệ thống giá xoay theo công nghệ của Ideematec (Đức), được thiết kế xoay theo hướng nắng với biên độ góc thay đổi 110 độ, giúp cho các tấm pin khai thác tối đa lượng bức xạ mặt trời, mang lại sản lượng điện năng cao hơn 19,5% so với giá đỡ cố định thông thường với khả năng chống chịu được sức gió bão mạnh cấp 12. Đồng thời hệ thống giá xoay dài và hiện đại giúp cho việc thi công bám sát, không làm thay đổi địa hình thực tế nên không phá vỡ môi trường tự nhiên.

Lễ cắt băng khánh thành Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước

Bên cạnh đó, dự án sử dụng các tấm pin đơn tinh thể Mono Perc của hãng Sunpower (Mỹ) có công suất 410Wp và 415Wp với hiệu suất tương ứng là: 19,9% và 20,1%. Đây là hãng pin chế tạo có hiệu suất chuyển đổi cao nhất trên thế giới so với các sản phẩm cùng phân khúc. Riêng trạm biến áp 22/110kv do Tập đoàn Toji thiết kế và cung cấp lắp đặt với 100% thiết bị là của ABB, cùng với công nghệ biến tần chuỗi String Inverter có khả năng giám sát độc lập các chuỗi pin giúp phát hiện sớm sự cố và giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra, dễ dàng sửa chữa thay thế với mức chi phí thấp, đảm bảo hệ số khả dụng nhà máy luôn duy trì ở mức cao nhất. Ngoài ra, dự án còn sử dụng hệ thống trạm biến áp thông minh STS 0,8/22kV kết hợp bộ góp công suất lên tới 6,3MW, giúp giảm giá thành đầu tư, giảm tổn thất truyền tải. 

Sau hơn 3 tháng khẩn trương thi công, Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước chính thức phát điện và hòa lưới điện quốc gia ngày 01/9/2020 và được Công ty Mua bán Điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận ngày vận hành thương mại là ngày 04/9/2020.

Theo đó, mỗi năm dự án sẽ phát lên lưới điện quốc gia khoảng 92 triệu kWh điện. Sau khi phát điện thương mại, nhà máy sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng gần 37 tỷ đồng/năm.

Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1

UBND tỉnh Đắk Nông mới đây đã ban hành Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 của Công ty CP điện gió Nam Bình.

Dự án sẽ được triển khai thực hiện tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song. Dự án có công suất thiết kế 30MW với tổng số vốn đầu tư dự án là 1.023 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng là 19,5ha. Quy mô xây dựng gồm hệ thống các trụ, tuabin gió, cánh quạt gió; đường dây 35kV nối các tuabin nhà máy; đường dây đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; trạm biến áp; hệ thống nhà điều hành và phụ trợ khác.

Ảnh minh họa

Thời hạn hoạt động của dự án là 25 năm, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư. Về tiến độ thực hiện dự án: đến hết tháng 10/2020 hoàn thiện thủ tục đầu tư, các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường; từ tháng 10/2020 - 10/2021, xây dựng các hạng mục chính của dự án; từ tháng 11/2021 hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động.

Trước đó, dự án điện gió Nam Bình 1 cùng với 5 dự án điện gió khác đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện theo công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực.

Phát triển mô hình công ty dịch vụ năng lượng tại Việt Nam

Tại TPHCM, dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) vừa phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo với chủ đề “ESCO, mô hình kinh doanh trong tương lai của Việt Nam - Bài học rút ra từ các hoạt động/mô hình ESCO quốc tế và quốc gia”. 

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG). Sự kiện nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh khung chính sách phù hợp cho mô hình này trong tương lai. 

Nhiều chủ đề đã được đưa ra thảo luận trong buổi hội thảo như khung pháp lý hiện tại cho ESCO tại Việt Nam, đánh giá từ các chuyên gia pháp lý và cơ chế tài chính trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng. Các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam và trên thế giới, những bài học đúc rút từ những dự án ESCO thành công cũng như kinh nghiệm vượt qua rào cản khi triển khai mô hình kinh doanh ESCO. 

Hội thảo chủ đề “ESCO, mô hình kinh doanh trong tương lai của Việt Nam - Bài học rút ra từ các hoạt động/mô hình ESCO quốc tế và quốc gia”

Tiếp sau hội thảo là chuyến thăm quan nhà máy bia Heineken tại Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 40 đại biểu tham dự. Đây là một trong những dự án ESCO tiêu biểu về cung cấp hơi – điện và sấy khô bã hèm với sự hợp tác với Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG). Chuyến đi là cơ hội để học hỏi về các công nghệ hiệu quả năng lượng khác nhau đã được Heineken triển khai. 

Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và  Bộ Phát triển và Hợp tác Kinh tế CHLB Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai cùng sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. 

Dự án hướng tới góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong ngành năng lượng nhằm thúc đẩy một bước tiến sang lộ trình phát triển năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện khung pháp lý cần thiết để Việt Nam đạt được các cam kết của mình đối với việc giảm phát thải khí nhà kính có liên quan đến các hoạt động năng lượng trong bối cảnh các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định của Việt Nam (NDCs).

PV