Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 45/2022

Thứ hai, 21/11/2022 | 08:00 GMT+7
Mới đây, tại TPHCM, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Asean - Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2022 với chủ đề "Thay đổi - Thách thức - Thích ứng".

Tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, năng lượng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Kể từ khi thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong quá trình phát triển đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn coi hợp tác giữa các bộ, ngành, chính quyền các bang là trọng tâm quan trọng để thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thực hiện các mục tiêu, cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. 

Trong những năm qua, việc gia tăng hợp tác, gắn kết ở cấp độ bang như với Oregon, Tây Virginia, Maryland, Virginia, California... đã giúp xác lập các khung khổ hợp tác toàn diện, thuận lợi hóa hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng; tăng cường chia sẻ thông tin về những cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ các dự án cũng như hoạt động của doanh nghiệp hai nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thống đốc bang Oregon Kate Brown ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng

Trong khuôn khổ diễn đàn, thay mặt Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền bang Oregon, Hoa Kỳ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thống đốc Kate Brown ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng.

Tại diễn đàn, đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ - bà Pamela Phan, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Á nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại đóng vai trò trung tâm.

Theo đó, cả khu vực công và tư của Hoa Kỳ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến mới, các lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính…

EVN và đối tác Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi

Tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phối hợp với Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) tổ chức hội thảo về điện gió ngoài khơi.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của CIP trong phát triển, xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới. Trong khi đó, EVN chia sẻ về phát triển và triển khai các dự án nguồn và lưới điện truyền tải tại Việt Nam.

CIP là công ty quản lý quỹ hàng đầu thế giới của Đan Mạch, chuyên đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Hiện nay CIP đang phát triển nhiều dự án điện gió ngoài khơi tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ở Việt Nam, công ty này phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5GW tại tỉnh Bình Thuận. 

EVN và CIP phối hợp tổ chức hội thảo về điện gió ngoài khơi

Bên cạnh đó, CIP cũng đang tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo mới như các giải pháp chuyển điện thành X (Power-to-X) bao gồm hydrogen xanh và amoniac xanh, tích trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyền tải điện. Một số dự án chuyển điện thành X đáng chú ý bao gồm dự án hydrogen Murchison 5GW tại Úc, dự án Hoest 1GW tại Đan Mạch và dự án hydrogen xanh HNH 1,7GW tại Chile. 

Mới đây, CIP công bố kế hoạch phát triển 4GW pin tích trữ tại Vương quốc Anh. CIP cũng là đơn vị chủ lực phát triển Vindø, hòn đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới đặt tại ngoài khơi Đan Mạch.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng những kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của CIP rất bổ ích và EVN có thể học tập được rất nhiều từ kiến thức của CIP.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn. Nếu Chính phủ giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án, EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với CIP để phát triển nguồn năng lượng này nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Ký kết hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Lễ ký kết hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang giữa Công ty CP Năng lượng Sinh khối Hậu Giang (HBE) và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) đã diễn ra tại Hà Nội.

Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang sử dụng nhiên liệu trấu có quy mô công suất 20MW do Công ty CP Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE) đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 làm tổng thầu EPC.

Dự án được xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang gồm 2 tổ máy độc lập (2 lò hơi, 2 tuabin, 2 máy phát) và một số hạng mục phụ trợ dùng chung. Dự kiến, nhà máy phát điện thương mại vào cuối năm 2024.

Lễ ký kết hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa lớn quan trọng trong công tác phát triển dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang. Dự án khi đi vào vận hành có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu đầu vào sản xuất điện năng phù hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. 

Về mặt kinh tế và xã hội, dự án góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới thu gom, vận chuyển, sơ chế nhiên liệu sinh khối; thu hút thêm vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong và ngoài nước, đồng thời giúp tăng thêm thu nhập cho người nông dân trong khu vực.

Lễ ký hợp đồng mua bán điện đánh dấu cột mốc quan trọng để Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang chính thức tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh, hòa chung nhịp phát triển ngành điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Ngân Hà