Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 46/2022

Thứ hai, 28/11/2022 | 08:00 GMT+7
Tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình Đối thoại quốc gia "Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ".

Đối thoại về chuyển dịch năng lượng bền vững

Chương trình Đối thoại quốc gia "Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ" thuộc khuôn khổ dự án “Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á” (CASE) do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ. 

Xuyên suốt Chương trình đối thoại là những trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam trong xây dựng định hướng chiến lược và kế hoạch chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ XXI. 

Đối thoại quốc gia "Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ"

Các đại diện từ các cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cùng chia sẻ chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Quốc hội để thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng. Các Bộ ngành, cơ quan khoa học của Việt Nam cũng trao đổi về định hướng chiến lược phát triển ngành để hướng tới mục tiêu phát thải thấp. Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Bộ Năng lượng Indonesia cũng đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn của nước mình trong lộ trình hướng tới Net-zero vào năm 2060.

Định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu Net-zero năm 2050

Tại chương trình Đối thoại quốc gia “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, tài chính và công nghệ”, đại diện Bộ Công Thương đã công bố định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu Net-zero năm 2050.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Hiện, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Những đề án này bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đảm đảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho đất nước với chi phí hợp lý và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; phát triển ngành điện nhanh và bền vững; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới… góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, xanh và bền vững hướng tới mục tiêu giảm phát thải

Theo đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII được xây dựng từ năm 2020, đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai, được thẩm định kỹ lưỡng, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Các quan điểm phát triển điện lực của dự thảo Quy hoạch điện VIII có nhiều nét mới, cụ thể như sau:

Bám sát chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, khai thác tối đa nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.

Khai thác tối đa tiềm năng thủy điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng. Nghiên cứu các loại hình năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, sóng biển…

Ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước; phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.

Không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế và công nghệ cũ sẽ dừng hoạt động, định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối/amoniac sau 20 năm vận hành. Định hướng đến năm 2050, dừng sử dụng than cho phát điện.

Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện đi xa, giảm tổn thất điện năng; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền. Tăng cường nhập khẩu điện trực tiếp từ các nước láng giềng trong trung và dài hạn, quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn điện tại nước ngoài để cung ứng điện về Việt Nam. Nghiên cứu kết nối liên kết hệ thống điện ở thời điểm phù hợp.

Đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu

Trao đổi công nghệ nhằm thúc đẩy năng lượng sinh học tại Việt Nam

Mới đây, diễn đàn trao đổi công nghệ “Giải pháp tối ưu và cơ hội hợp tác giữa các nước Nam bán cầu nhằm thúc đẩy năng lượng sinh học tại Việt Nam” đã diễn ra tại TPHCM.

Diễn đàn tập trung thúc đẩy kết nối giữa các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, các nhà phát triển dự án, đơn vị cung cấp nguyên liệu sinh khối và công nghệ, cũng như những công ty kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng sinh học. Đây là một trong những hoạt động trao đổi kỹ thuật và chia sẻ kiến thức cập nhật về công nghệ năng lượng sinh học, thảo luận cơ hội hợp tác và các rào cản trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và hợp tác giữa các nước Nam bán cầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ năng lượng sinh học. 

Diễn đàn “Giải pháp tối ưu và cơ hội hợp tác giữa các nước Nam bán cầu nhằm thúc đẩy năng lượng sinh học tại Việt Nam”

Tại diễn đàn, đại diện Nhà máy Sanofi Việt Nam - Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững đã chia sẻ về mô hình thí điểm chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối trấu và tối ưu hóa quy trình đốt cháy để cho ra tro giàu silica, tách tro trấu và tinh chế thành silica cao cấp, mang lại giá trị gia tăng cho nhiều ngành công nghiệp. Các nghiên cứu về công nghệ sản xuất silica sinh học từ tro trấu cũng được chuyên gia trường Đại học Bách Khoa TPHCM giới thiệu.   

Tiếp theo đó, chuyên gia từ Đức đã trình bày về công nghệ và ứng dụng của chu trình Rankine hữu cơ. Trong khi đó, giảng viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giới thiệu về mô hình ESCO phát điện và nhiệt tại các khu công nghiệp.  

Diễn đàn kết thúc bằng phiên thảo luận giữa đại diện dự án BEM, các diễn giả và đại biểu về khó khăn, rào cản cũng như cơ hội hợp tác thúc đẩy ứng dụng các loại hình công nghệ được trình bày tại sự kiện.

Ngân Hà