Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 46/2023

Thứ hai, 27/11/2023 | 08:00 GMT+7
Tại Hà Nội, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) vừa phối hợp tổ chức hội thảo về “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh trên thế giới, định hướng phát triển tại Việt Nam”.

Thảo luận về các định hướng phát triển của ngành công nghiệp hydrogen xanh

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của hydro xanh trong tiến trình chuyển dịch năng lượng, cũng như mang tới một diễn đàn chung cho các chuyên gia, cán bộ cùng thảo luận về các định hướng phát triển của ngành công nghiệp Power-to-X (PtX) và hydro xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương cho biết, hydro đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch và dự báo sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Quang cảnh hội thảo

Các chuyên gia trong nước cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu thực tiễn liên quan đến tiềm năng ứng dụng ammoniac trong hoạt động sản xuất điện ở Việt Nam, cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với ngành công nghiệp PtX và hydro xanh tại Việt Nam. Các chuyên gia nhấn mạnh, sự phát triển của nền công nghiệp PtX và hydro xanh cần dựa trên khung tiêu chí bền vững của ngành (trên 4 lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội và quản trị), cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Chuyên gia khuyến nghị để xây dựng nghành công nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện các tiêu chuẩn và chứng nhận cho ngành công nghiệp PtX cũng như thử nghiệm và vận hành thị trường carbon. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao trong nước theo nhu cầu, thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài; xây dựng cơ sở hạ tầng, học hỏi công nghệ quốc tế; cũng như hỗ trợ tài chính cho các dự án PtX trong nước.

Xem xét các giải pháp cho quá trình chuyển dịch năng lượng

Mới đây, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam - sự kiện của Nhóm công tác về Điện và năng lượng, thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, năm 2023 là năm giữa của nhiệm kỳ 5 năm và cũng là năm ngành điện và năng lượng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, cũng như phản ánh vị thế của Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và cam kết mạnh mẽ về chuyển dịch năng lượng trong khu vực và thế giới.

Xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam.

Diễn đàn lần này có sự tham gia và trình bày của các vụ, cục liên quan về chiến lược và chính sách chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, các cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm JETP cùng các cam kết khác liên quan, tác động của những cam kết này đến chính sách năng lượng của Việt Nam. Các chuyên gia trong ngành điện và năng lượng, bao gồm tổ chức tài chính, tổ chức tài trợ, công ty điện cũng thảo luận về cách thức để khu vực công và khu vực tư nhân có thể cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, tận dụng các nỗ lực khử carbon để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, nhờ đó đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Đồng thời nhấn mạnh quan điểm, để khai thác tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam, điều cấp thiết là phải tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng và cần phải thực hiện ngay bây giờ, bằng cách tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình sửa đổi Luật Điện lực, xây dựng khung chính sách hiệu quả để phát triển năng lượng tái tạo và tham gia sâu hơn vào hoạt động của các Nhóm công tác JETP, các dự án song phương và hỗ trợ trực tiếp chính thức khác.

Diễn đàn đã tập trung phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam.

Đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang (phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh trung bình khoảng 965 tấn/ngày. Khối lượng rác tồn lưu tại các điểm tập kết, khu xử lý là 5.800 tấn. Tuy nhiên, số rác đã được thu gom chưa được xử lý triệt để, mới xử lý được khoảng 747 tấn/ngày, đạt tỷ lệ hơn 87%. Hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu thực hiện theo phương pháp đốt và chôn lấp. Do đó, ĐTM khẳng định việc đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện là nhu cầu cấp thiết với Bắc Giang.

Ảnh minh họa

Theo phương án thiết kế, Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang có công suất xử lý rác 750 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 12MW. Dự án đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 24/8/2023. Công nghệ dự án đang trình thẩm định tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang.

Chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH năng lượng môi trường Bắc Giang đã phối hợp với Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 4 (đơn vị tư vấn) lập báo cáo ĐTM theo hướng dẫn tại Luật Bảo vệ môi trường, trong đó lựa chọn công nghệ đốt chất thải kết hợp phát điện.

Theo đó, lò đốt cơ học kiểu Martin (Đức) có ưu điểm đốt rác không cần phân loại đầu nguồn, dễ dàng vận hành và bảo trì, đã được sử dụng phổ biến trên thế giới và kiểm chứng trong thực tế tại một số quốc gia có tính chất rác thải tương tự như Việt Nam.

Ghi lò được sản xuất từ Trung Quốc đã được cải tiến theo công nghệ Martin (Đức) để phù hợp với tính chất rác không phân loại, độ ẩm cao của châu Á.

Dự kiến, các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị sẽ được bắt đầu từ tháng 6/2024 đến tháng 8/2025; đi vào hoạt động từ tháng 10/2025.

Ngân Hà