Năng lượng tái tạo

Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi phân phối LNG toàn cầu

Thứ tư, 18/12/2024 | 15:24 GMT+7
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam.

Thị trường LNG Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển

Thông tin tại diễn đàn, bà Đặng Thị Thủy, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40 - 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ dao động từ 55 - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: sản xuất điện; nông nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.

Bà Thủy nhấn mạnh, thị trường LNG Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển. Điển hình như xu hướng chuyển đổi sử dụng LNG đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tạo cơ hội giúp Việt Nam thuận lợi tiếp cận với các nguồn cung LNG ổn định với mức giá tốt.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch của các nhà máy sản xuất trên thế giới về Việt Nam cùng với sự gia tăng của các nhà máy nhiệt điện khí trong nước mở ra thị trường tiềm năng cho thị trường LNG Việt Nam trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có hoạch định chiến lược phát triển thị trường LNG rõ ràng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi sử dụng LNG.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, do gia nhập thị trường LNG quốc tế muộn, Việt Nam buộc phải tuân thủ các thông lệ quốc tế được định sẵn trong quá trình nhập khẩu LNG. Thêm vào đó cơ sở vật chất và hành lang pháp lý cho việc nhập khẩu LNG đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn dừng lại ở vai trò nhập khẩu và tiêu thụ LNG, chưa phát triển được các cơ sở khai thác, hóa lỏng và phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp LNG nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam đang chỉ mới tiếp xúc với thị trường LNG mua giao ngay, chưa ký bất kỳ hợp đồng mua bán LNG dài hạn nào. Việc phụ thuộc vào các giao dịch ngắn hạn làm cho giá LNG thường xuyên biến động, chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như thị trường quốc tế, chính sách xuất nhập khẩu của các nước cung cấp và các biến động giá nhiên liệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp mà còn gây khó khăn trong việc lập kế hoạch đầu tư và hoạt động lâu dài.

Liên quan đến phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030, ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng thông tin, trong số khoảng 14 dự án nhiệt điện khí đang triển khai, ngoại trừ nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vận hành vào quý II và III/2025, các dự án điện khí có thể đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 gồm: các dự án trong Trung tâm điện lực Ô Môn, Hiệp Phước giai đoạn 1, tổng công suất các dự án đưa vào vận hành trước năm 2030 là 6.634 MW. Các dự án còn lại chỉ có thể đưa vào vận hành đến năm 2030 nếu hoàn thành đàm phán hợp đồng PPA, GSA và thu xếp vốn vay trước năm 2026.

Một số khó khăn có thể kể đến như: về phía các địa phương, một số tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư do còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hiện chưa rõ chủ đầu tư các đường dây đấu nối đồng bộ do một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh chính phủ như bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện…

Cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Để thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng LNG tại Việt Nam, đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí LNG đặt ra theo Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Đức Tùng cho rằng, cùng với việc đáp ứng mục tiêu về dự trữ và cung ứng LNG, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế, chính sách. Theo đó, cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư trong các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển đồng bộ khai thác nội địa kết hợp với nhập khẩu. Tăng cường công tác tìm kiếm và thăm dò các mỏ khí mới là ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên nội địa tiềm năng. Trong dài hạn, cần xuất nghiên cứu khả năng phát triển các nhà máy sản xuất LNG nếu có đủ các điều kiện về công nghệ, tài chính và nhân lực.

Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành cơ chế nhập khẩu và bố trí các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của nhà máy điện. Thực hiện rà soát và điều chỉnh các cơ chế mua bán điện khí LNG nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đảm bảo một chính sách giá điện LNG ổn định và hợp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đảm bảo lợi ích của các bên liên quan, ông Tùng nhấn mạnh.

Việc ban hành cơ chế chuyển ngang giá LNG (bao gồm cả cước phí vận chuyển, cước phí tồn trữ tái hóa, phí phân phối và các chi phí hợp lệ khác) trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các dự án điện khí LNG trong hợp đồng mua bán điện là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển ngành công nghiệp LNG từ khâu đầu tư, xây dựng, tồn trữ, vận chuyển... đến kinh doanh khí. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển thị trường khí cạnh tranh. Xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế và chính sách cho thị trường LNG, đặc biệt về giá khí cho sản xuất điện và từng bước thiết lập một thị trường khí cạnh tranh, minh bạch. Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng LNG trong đó có các trung tâm tiếp nhận và lưu trữ LNG tại Việt Nam…

Hương Đỗ