Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 7/2025

Thứ hai, 24/2/2025 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 12/2/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Ban hành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch

Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch đặt mục tiêu tổng quát là chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp; huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sạch để giảm dần phát thải trong các nhà máy nhiệt điện than; đưa ra lộ trình dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ.

Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, chất lượng ngày càng cao với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nghiên cứu thí điểm lắp đặt hệ thống thu gửi carbon cho nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp; xem xét dừng hoạt động khoảng 540 MW nếu các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ, hiệu suất thấp không giải quyết cải thiện được vấn đề hiệu suất và phát thải.

Nghiên cứu, thí điểm áp dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac tại các nhà máy nhiệt điện than để giảm phát thải CO2. Khuyến khích các nhà máy điện than đốt kèm và chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, amoniac.  

Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện) đạt khoảng 29,2 - 37,7%.

Phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong khoảng 5 năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển và bảo vệ môi trường.

Đến năm 2050, phát triển đủ các nguồn điện sạch thay thế để bù vào các nguồn điện với công suất tối thiểu 3.335 MW, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để xem xét dừng hoạt động khoảng 3.335 MW nhiệt điện than đối với các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế (nếu không chuyển đổi nhiên liệu hoặc lắp đặt hệ thống thu giữ carbon).

Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh khối, amoniac với tổng công suất 25.632 - 28.832 MW; lắp đặt hệ thống thu giữ carbon cho các nhà máy điện than.

Thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nghị quyết gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần cùng một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án.

Nghị quyết cho phép dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Nghị quyết cũng quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu cho phép áp dụng là chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu như: áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Phạm vi công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay bao gồm các công việc theo quy định pháp luật xây dựng và các công việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, mua bảo hiểm cho toàn bộ phạm vi thực hiện của hợp đồng (được phép mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có chi nhánh được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam), cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các báo cáo chuyên ngành theo quy định pháp luật; tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công. Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế…

Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Nghị quyết quy định: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện dự án với mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia.

Triển khai thi công xây dựng dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2

Lễ triển khai thi công công trình nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái - giai đoạn 2 vừa diễn ra tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án có quy mô 1.200 MW gồm 4 tổ máy tuabin/bơm – máy phát/động cơ có công suất 300MW/tổ máy. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 21.100 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 12/2029, hoàn thành tổ máy 4 vào tháng 12/2030 và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 5/2031.

Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai thi công xây dựng dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2

Công trình thủy điện tích năng Bác Ái không chỉ là một dự án năng lượng quan trọng mà còn mang lại nhiều lợi ích dài hạn về kinh tế, xã hội và môi trường. Dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.

Với đặc điểm khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tập trung cao nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và tương lai có thêm các nhà máy điện hạt nhân, hoạt động của thủy điện tích năng Bác Ái sẽ góp phần điều tiết công suất và ổn định nguồn điện khu vực. Khi nhu cầu tiêu thụ điện thấp (ngoài giờ cao điểm), nhà máy dùng điện dư thừa để bơm nước lên từ hồ thấp lên hồ chứa trên cao; khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng (giờ cao điểm), nước được xả xuống từ hồ cao xuống hồ thấp để phát điện, giúp ổn định vận hành của lưới điện khu vực và cả hệ thống điện quốc gia.

Ngân Hà