Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 8/2023

Thứ hai, 27/2/2023 | 08:00 GMT+7
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam mới đây đã phối hợp với Viện Năng lượng tổ chức hội thảo tham vấn Đánh giá tổng thể về sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam.

Đánh giá tiềm năng sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng đánh giá cao sự hỗ trợ của UNDP khi thực hiện nghiên cứu “Đánh giá tổng thể việc sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydro xanh ở Việt Nam”.

Ông Lê Việt Cường cho rằng, cùng với những giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển nguồn điện có phát thải carbon thấp… hydro xanh và những dẫn xuất của hydro xanh đang được thế giới quan tâm và kỳ vọng là giải pháp có vị trí ngày càng quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.

Do đó, việc thực hiện nghiên cứu “Đánh giá tổng thể việc sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydro xanh ở Việt Nam” sẽ hỗ trợ cho các bên liên quan của Việt Nam có thêm được góc nhìn tổng thể về vai trò của hydro xanh, cùng các luận cứ cần thiết khi đưa ra quyết định.

Đánh giá tổng thể việc sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydro xanh

Theo đó, nghiên cứu tập trung vào các nội dung: tính toán về nhu cầu hydro và ammonia cho các ngành kinh tế Việt Nam đến năm 2050, tiềm năng sản xuất hydro xanh ở 2 vùng tiềm năng là vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nam Bộ, tiềm năng giảm phát thải CO2 khi sử dụng hydro xanh đến năm 2050 cho lĩnh vực năng lượng. Báo cáo nghiên cứu cuối cùng sau khi được hoàn thiện sẽ được UNDP và Viện Năng lượng công bố tại hội thảo tiếp theo vào thời điểm phù hợp.

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman đánh giá, sản xuất và sử dụng hydro xanh vẫn còn là lĩnh vực mới ở Việt Nam nhưng đang được quan tâm nhiều hơn. Đáng chú ý là Công ty TNHH TGS Green Hydrogen đang dự định xây dựng nhà máy điện phân đầu tiên với nguồn đầu tư 840 triệu USD, báo hiệu rằng cần sớm có các nỗ lực xây dựng chiến lược quốc gia chặt chẽ về vấn đề này.

Hợp tác Việt – Đức về hiệu quả năng lượng và phát triển hydrogen xanh

Đoàn làm việc của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) do bà Nicole Glanemann, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực châu Á dẫn đầu đã vừa có chuyến thăm tại Việt Nam với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường quy trình thực thi chính sách và các quy định cụ thể cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Ngày 21/2, đại diện BMWK có buổi làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm đến Việt Nam về hai chủ đề chính liên quan đến mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức về hiệu quả năng lượng và những cơ hội, thách thức trong phát triển hydrogen tại Việt Nam. Chuỗi hội thảo do Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP) phối hợp thực hiện. 

Trao đổi về hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Đức trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng và phát triển hydrogen xanh. (Ảnh: GIZ)

Phiên làm việc buổi sáng là tọa đàm bàn tròn về hợp tác giữa 11 doanh nghiệp Việt Nam và Đức đang hoạt động lĩnh vực hiệu quả năng lượng, với mục tiêu mở rộng mạng lưới trao đổi tri thức, kết nối các doanh nghiệp trong ngành, từ đó hình thành quan hệ hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Thực tế cho thấy do nhận thức về hiệu quả năng lượng còn thấp và thiếu các dự án điển hình thành công, các chủ doanh nghiêp sản xuất còn ngần ngại khi đầu tư vào các dự án hiệu quả năng lượng, gây khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ khi thuyết phục đầu tư. 

Vì vậy, BMWK và GIZ đã đồng ý hỗ trợ để triển khai thực hiện một số dự án thí điểm với mô hình kinh doanh kết hợp giữa các công ty cung cấp giải pháp của Đức và các công ty tư vấn Việt Nam, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Phiên làm việc buổi chiều thảo luận về cơ hội tiềm năng và thách thức để phát triển ngành công nghiệp hydro xanh tại Việt Nam. Hội thảo đã giới thiệu các khóa đào tạo về công nghệ PtX (hydrogen xanh) do chương trình ESP thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2022, cũng như khóa đào tạo giảng viên nguồn và đào tạo căn bản trên cả nước trong năm 2023. Qua đó, các bên tham gia trong ngành có cơ hội nâng cao năng lực, hướng tới đảm bảo tính bền vững của ngành công nghiệp hydro xanh.  

Hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), ngày 20/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An làm việc với đoàn công tác của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) gồm ông Emmanuel Baudran, Phó Vụ trưởng Vụ Giải pháp Phát triển bền vững, Hội sở AFD và ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam để trao đổi về những hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ mong muốn hai bên cùng thúc đẩy tăng cường mối quan hệ tốt đẹp thông qua các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 và tham gia thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị, bên cạnh việc giúp Việt Nam tiếp cận những cơ chế tài chính được thuận lợi, AFD cần hỗ trợ Việt Nam tiếp cận sâu hơn những công nghệ hiện đại trong việc phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện thông minh; giải pháp vận chuyển, sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh). 

Ông Emmanuel Baudran, Phó Vụ trưởng Vụ Giải pháp Phát triển bền vững, Hội sở AFD và ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam cùng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, AFD cũng chia sẻ những khó khăn và thách thức tác động về xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, AFD sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các nguồn lực để giúp Việt Nam vượt qua các thách thức trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng.

Với kinh nghiệm của mình, AFD sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, đánh giá tác động đối với kinh tế, xã hội, đời sống của người dân trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Hai bên cùng tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có AFD về công nghệ, nguồn lực tài chính, Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Ngân Hà