Kinh tế xanh

Xây dựng thị trường tín chỉ carbon để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bền vững

Thứ tư, 10/7/2024 | 16:01 GMT+7
Tại tọa đàm chuyên đề "Tín chỉ carbon: Chương trình nhựa - nông nghiệp và lâm nghiệp - bền vững nguồn nước" vừa diễn ra tại TPHCM, đông đảo diễn giả, chuyên gia cùng thảo luận, góp ý về xây dựng thị trường carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

Tọa đàm do sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (thành viên Tập đoàn CT Group) phối hợp với VERRA - tổ chức chứng nhận uy tín hàng đầu thế giới về bù đắp lượng carbon tự nguyện phối hợp tổ chức.

Ngành nông nghiệp giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính và tạo sinh kế xanh

Theo thông tin tại hội thảo, ô nhiễm nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn vào lĩnh vực nhựa sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính và tạo sinh kế xanh.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường yêu cầu báo cáo CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và báo cáo bền vững, ngành nhựa Việt Nam cần kích hoạt và khai thác tiềm năng của tín chỉ carbon. Tham gia thị trường tín chỉ carbon, ngành nhựa Việt Nam có thể vừa giảm thiểu tác động đến môi trường vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon cũng vô cùng rộng mở. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, trong khi ngành lâm nghiệp có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Việc bán tín chỉ carbon sẽ giúp các chủ rừng và nông dân cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, việc hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Tín chỉ carbon có thể được tạo ra từ các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật; ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí methane trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi...

Tại Việt Nam, sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) đang là đối tác đầu tiên và chính thức của VERRA trong các dự án tín chỉ carbon và các chương trình chống biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng giám đốc CCTPA chia sẻ, CCTPA sẽ cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu. Dựa trên mục tiêu giảm khí thải, CCTPA cũng tư vấn các biện pháp cụ thể để giảm lượng khí thải carbon, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất và triển khai các công nghệ sạch phi carbon. 

Mộc Trà (T/H)