Văn hóa, du lịch

Bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa Huế

Thứ hai, 19/6/2023 | 15:19 GMT+7
Mới đây, tại quảng trường Ngọ Môn, Đại nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức kỷ niệm 30 năm quần thể di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh di sản thế giới.

Di sản Cố đô Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia, đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam. Để giữ gìn, bảo tồn và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cần bám sát nguyên tắc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các thành tố để phát triển; bên cạnh đó, phải khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hóa luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan tỏa các giá trị biểu trưng của vùng đất Cố đô Huế.

Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa Huế 

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, di sản Huế là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa quần thể luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ, gắn với định hướng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận, việc giải quyết bài toán giữa "bảo tồn và phát triển" là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh trong bối cảnh hiện nay.

Theo bà Miki Nozawa, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam, quần thể di tích Cố đô Huế đã hoàn toàn biến chuyển từ trạng thái cần được bảo tồn khẩn cấp sang bền vững như ngày hôm nay. Kể từ khi Huế được công nhận là di sản thế giới cách đây 30 năm, thế giới đã vô cùng ấn tượng với hành trình bảo tồn và phát triển di sản thế giới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế ra mắt Quỹ bảo tồn di sản Huế. Quỹ được thành lập không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước; đưa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với nhân dân, du khách và cộng đồng trong và ngoài nước một cách sâu sắc hơn; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Ngày 11/12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục di sản thế giới của UNESCO. Đây là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.

Linh Giang (T/H)