Bảo vệ rừng để bảo vệ sức khỏe con người

Thứ ba, 21/3/2023 | 15:31 GMT+7
Ngày 21/3, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức diễn đàn Ngày Quốc tế về rừng, với chủ đề “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”.

Phát biểu tại diễn đàn, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng cho biết, chủ đề “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh sức khỏe con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhân tố tác động tới đời sống xã hội. Do đó, cần thay đổi tư duy, nhận thức để hiểu được những giá trị căn bản của tự nhiên và nhận ra việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là cần thiết để con người có thể sống bình yên và khỏe mạnh.

Theo Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp Quốc, rừng là nhân tố sống còn đối với cuộc sống của con người; là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên. 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng. Mặt khác, có khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm; khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng.

Tăng cường bảo vệ rừng và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên từ rừng

Ông Phạm Hồng Lượng nhấn mạnh, rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người, bao gồm việc cung cấp nguồn thức ăn, thực phẩm, cung cấp nguồn dược liệu, thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển. Rừng cũng cung ứng các nguyên liệu cho sản xuất các vật tư y tế. Ở trong rừng và gần rừng còn có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng và giúp thư giãn.

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực trên phạm vi toàn cầu với thông điệp bảo vệ rừng, bảo vệ hành tinh xanh như: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2015; Hiệp ước Khí hậu Glasgow.... Việt Nam luôn là quốc gia tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ, chủ đề của Ngày Quốc tế về rừng năm 2023 muốn nhấn mạnh các hoạt động lâm nghiệp không bền vững dẫn đến suy thoái rừng, suy thoái môi trường, góp phần gây biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sự xuất hiện của các loại dịch bệnh mới.

Qua đây, ông Nguyễn Song Hà góp ý, hiện có 3 con đường liên quan đến rừng và thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng và phục hồi môi trường là: chấm dứt nạn chặt phá rừng, duy trì diện tích rừng hiện có; phục hồi đất bạc màu và phát triển nông lâm kết hợp; sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh.

Sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai – với mức tiêu thụ toàn cầu đối với tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ 92 tỷ tấn (năm 2017) lên 190 tỷ tấn (năm 2060), giúp củng cố nền kinh tế một cách bền vững.

Những năm qua, FAO đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy ngành lâm nghiệp lành mạnh và bền vững. Cùng với các tổ chức Liên Hợp Quốc, FAO cam kết giữ vai trò đối tác lâu dài của Chính phủ Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ vì những khu rừng khỏe mạnh ở Việt Nam.

Bảo Ngọc