Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Bùi Minh Tuấn cho biết, là tỉnh nhỏ thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông đổ ra Biển Đông, Bến Tre có vùng đất ngập nước rộng lớn với mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt và các vùng cửa sông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển. Khu vực ven biển Bến Tre có đa dạng sinh học cao, là khu vực sinh sống của các loài chim hoang dã, tuyến đường di cư của các loài chim nước quý, hiếm trên thế giới.
Với tiềm năng đó, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức để ghi hình thực tế về các loài chim hoang dã, di cư khu vực ven biển Bến Tre vào mùa chim di cư đầu năm 2024; xây dựng sổ tay và tài liệu đa dạng sinh học chim tỉnh Bến Tre. Tài liệu cung cấp thông tin về số lượng, hình ảnh thực về các loài chim, thông tin nhận dạng, khu vực kiếm ăn, mức độ loài nguy cấp, quý hiếm theo quy định pháp luật.
Bảo tồn đa dạng sinh học chim hoang dã, di cư tỉnh Bến Tre
Trao đổi về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thông tin, tỉnh đã quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán, gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, đặc biệt là việc quản lý các cơ sở gây nuôi để tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa nuôi thương mại vừa gắn với bảo tồn nguồn gene động vật hoang dã.
Để công tác quản lý đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả cao hơn, ông Nguyễn Thế Nghĩa đề xuất cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể như tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng, gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả; kịp thời triển khai chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về hưởng lợi kinh tế từ nghề rừng đến với người nhận khoán rừng.
Trong dịp này, đại diện các Sở, ngành, địa phương và tổ chức bảo vệ môi trường, thiên nhiên tham gia cùng chia sẻ nhiều vấn đề về hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Bến Tre trên nền tảng giá trị dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; hoạt động nâng cao ý thức học sinh các cấp trong bảo vệ môi trường thiên nhiên; hoạt động nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; đề xuất góp ý cho công tác quản lý, truyền thông của địa phương…
Ông Phan Thanh Trẻ, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre góp ý, thời gian tới, các vấn đề về môi trường ngày càng phức tạp vì vậy rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ, công trình, phần việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Phan Thanh Trẻ đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bến Tre tiếp tục đồng hành thực hiện mô hình “Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn” gắn với giảm thiểu rác thải nhựa, phấn đấu triển khai thực hiện hiệu quả mô hình tạo thói quen sống xanh cho các tổ nhân dân tự quản thuộc 157 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp tham mưu UBND tỉnh các nội dung chuẩn bị sơ kết thực hiện Đề án Bến Tre xanh giai đoạn 2021 – 2026.
Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Bùi Minh Tuấn đề nghị, các Sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong công tác quản lý các loài chim hoang dã, nguy cấp, quý hiếm khu vực rừng ngập mặn, vùng đất bãi bồi. Riêng các huyện, xã ven biển, cần hỗ trợ phổ biến thông tin, tài liệu đa dạng sinh học đến nhân dân, đặc biệt là cộng đồng khu vực ven biển; đồng thời tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm trên địa bàn quản lý.