Nông nghiệp sạch

Bình Dương cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Thứ tư, 6/4/2022 | 13:37 GMT+7
Để tiếp tục phát huy thành quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hướng đến mô hình nông nghiệp đô thị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, từ năm 2017 đến nay, địa phương này đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị... 

Đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt toàn tỉnh Bình Dương đạt khoảng trên 5.763ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng trên 172ha với nhiều loại cây trồng có giá trị.

Tính tới nay, toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 500ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha.

Nhiều cơ sở sản xuất nông sản ở Bình Dương được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương cũng đã duy trì phát triển ổn định, cơ cấu ngành chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 912.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%.

Nông dân tỉnh Bình Dương đã tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối… Các hộ sản xuất nông nghiệp đã đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngành nông nghiệp của địa phương đang phát huy thành quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh Bạch Đằng. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số.

Đến nay, Bình Dương đã từng bước tạo thương hiệu, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị. Cụ thể, chỉ trong năm 2021, tỉnh đã có 28 sản phẩm OCOP trong đợt 1, trong đó 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 20 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương. Hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường; tiếp tục tập huấn tuyên truyền các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển giao các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết các bên để tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Minh Khang (T/H)