Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Hoa Kỳ

Thứ ba, 29/3/2022 | 15:15 GMT+7
Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết: Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến trên 160.000 tấn, trong đó sản lượng vải sớm khoảng trên 50.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022. Sản phẩm vải của tỉnh dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia, châu Âu với 18 mã số vùng trồng có diện tích là 218ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.

Ông Phan Thế Tuấn cho biết thêm, năm nay thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, tình trạng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, vì vậy dự báo vải thiều Bắc Giang sẽ có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội. “Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” tiếp tục là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng tại những thị trường khó tính trên thế giới.

Đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Hoa Kỳ

Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác thời gian qua như: Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... đồng thời tiếp tục tìm kiếm, mở rộng ra các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng.

Tỉnh Bắc Giang cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các sàn thương mại điện tử: Amazon.com, Alibaba.com, Sendo.vn, Postmart.vn, Voso.vn... thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các fanpage trên Facebook, Zalo.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Sở Công Thương và các Sở, ban, ngành liên quan tìm hướng tiêu thụ hiệu quả cho loại trái cây đặc sản của địa phương này. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa vải thiều vào các thị trường lớn là Hoa Kỳ và châu Âu.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, Bắc Giang xác định Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn đối với sản phẩm vải thiều. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không sang thị trường này cũng là vấn đề đáng quan ngại bởi chi phí cao. Những năm trước đây chưa có đường bay thẳng từ Hà Nội đến Hoa Kỳ; số lượng hàng vận chuyển không được nhiều; vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian (từ 22 đến 28 ngày) gây áp lực cho công nghệ bảo quản vải thiều. Do đó, Bắc Giang kỳ vọng thông qua hội nghị trực tuyến, có thể tìm được giải pháp cho việc này với sự tham gia của các hãng hàng không.

Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang còn đề cập đến vấn đề xử lý sản phẩm để phục vụ xuất khẩu. Theo ông Phan Thế Tuấn, hiện các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chưa có trung tâm chiếu xạ được phía Hoa Kỳ chấp thuận vì vậy, vải thiều phải đưa vào TPHCM đóng gói, chiếu xạ rồi mới xuất khẩu sang Hoa Kỳ được. Quy trình này làm phát sinh nhiều chi phí về vận chuyển và chiếu xạ, rất mong sự vào cuộc của các doanh nghiệp để tháo gỡ vấn đề.

Kim Bảo