Nông nghiệp sạch

Thanh long Bình Thuận tìm đường bứt phá

Thứ hai, 14/3/2022 | 16:02 GMT+7
Năm 2022, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất thanh long bền vững, khắc phục những khó khăn hiện tại trong xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đã đề xuất nhiều biện pháp, phương hướng cụ thể.

Theo đó, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, song vẫn chú trọng củng cố và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt 50 - 60 triệu USD/năm và nâng dần tỉ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22 - 25%.

Để đạt mục tiêu trên, Bình Thuận đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài để phát triển và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thanh long. Cụ thể, tổ chức các đoàn khảo sát, giao thương để tìm hiểu, mở thêm thị trường mới, tiềm năng cho việc xuất khẩu thanh long nhằm hạn chế rủi ro và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, như thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thanh long sạch, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ thanh long để phát triển bền vững; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị cho thanh long Bình Thuận, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, trong khu vực và tạo thị phần ổn định trên thị trường.

Phát triển sản phẩm thanh long Bình Thuận có giá trị gia tăng cao, phù hợp nhiều thị trường nhập khẩu

Về một số biện pháp được triển khai trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nêu rõ, đối với thị trường trong nước, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ thực hiện tốt những chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường TPHCM và các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đưa thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan)... để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Hỗ trợ Hiệp hội Thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia những hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm chuyên ngành về trái cây, rau quả có uy tín được tổ chức hàng năm.

Với hoạt động xuất khẩu, theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường này. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho việc xuất khẩu thanh long Bình Thuận đến các thị trường khác.

Đối với Ấn Độ, với số dân gần 1,4 tỷ người, đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn. Trong đó trái thanh long nằm trong top 10 trái cây tươi được tiêu thụ nhiều ở nước này với mức tăng trưởng 27% hàng năm.

Nhật Bản và Ấn Độ là 2 thị trường tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy, bên cạnh các thị trường khác, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ quan tâm, tập trung phát triển và mở rộng 2 thị trường này để tiêu thụ thanh long. Theo đó, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Ấn Độ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thông tin kịp thời về tình hình thị trường cũng như các chủ trương, chính sách xuất nhập khẩu mới của nước đối tác để phổ biến đến doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Bình Thuận lâu dài, góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thanh Bảo (T/H)