Kế hoạch nhằm nhân rộng mô hình trồng cây xanh trên các tuyến đường dọc kênh thủy lợi, các tuyến đường liên huyện, xã, các khu đất trống, đồi trọc do Nhà nước quản lý trên địa bản tỉnh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 3238/KH-UBND của UBND tỉnh. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong khối thi đua thuộc cơ quan cấp tỉnh; nâng cao nhận thức về vai trò của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời góp phần phục hồi mảng xanh, phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/6/12/trong-cay-20240612120241831.jpg)
Bình Thuận nhân rộng các mô hình trồng cây xanh
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công trình trồng cây xanh trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025; hàng năm mỗi khối thi đua thực hiện hoàn thành ít nhất 1 công trình trồng cây xanh trên các tuyến đường dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, các tuyến đường chính của địa phương, dọc kênh thủy lợi, khu đất trống, đồi trọc do Nhà nước quản lý (ưu tiên lựa chọn thực hiện công trình dọc các kênh thủy lợi lớn, các tuyến đường liên huyện, liên xã để tạo cảnh quan); mỗi công trình trồng tối thiểu 1.000 cây.
Các cây được lựa chọn để trồng phải phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu địa phương, khu vực; ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, cây đa mục đích sử dụng, cây có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao như bạch đàn, dầu rái, keo lai, keo lá tràm, sao đen, xoan chịu hạn, trôm, keo chịu hạn, xoan ta, keo lá liềm, lim xanh, giáng hương, phi lao... Ngoài ra, có thể nghiên cứu, lựa chọn một số loài cây trồng phân tán khu vực đô thị theo danh mục các loài cây trồng trong Kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Việc triển khai trồng cây xanh nên thực hiện trong mùa mưa năm 2024, 2025 để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao, phát triển tốt sau khi trồng, trong đó sẽ thực hiện trồng cây vào tháng 6 - 7 đối với các huyện phía Nam tỉnh và tháng 8 - 9 đối với các huyện phía Bắc tỉnh.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các khối thi đua xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong khối; xác định số lượng, loài cây, địa điểm, thời gian trồng, kế hoạch chăm sóc đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch.
Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của công trình; vai trò, tác dụng của việc trồng cây, trồng rừng đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; vận động nhân dân tham gia trồng cây, duy trì, bảo vệ công trình trồng cây xanh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng tham vấn, lựa chọn chủng loại cây trồng và quy cách trồng cho phù hợp.
Đối với các công trình dọc kênh thủy lợi, cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; đối với công trình trồng cây tại khu vực đất đồi núi chưa sử dụng do nhà nước quản lý cần phối hợp với các chủ rừng, địa phương để xây dựng kế hoạch trồng và chăm sóc sau khi trồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị của các khối thi đua thuộc cơ quan cấp tỉnh trong việc lập kế hoạch và thực hiện trồng cây, chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng đối với các công trình trồng cây xanh trên tuyến đường vào thành phố Phan Thiết.