Phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024

Thứ hai, 10/6/2024 | 17:04 GMT+7
Ngày 10/6, tại Khánh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 và Ngày Đại dương thế giới.

Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 và Ngày Đại dương thế giới được phát động, tổ chức thường niên nhằm tôn vinh và kêu gọi sự quan tâm hành động tích cực của các quốc gia, cộng đồng trên thế giới hợp tác cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nhân loại.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá, việc kỷ niệm các sự kiện lớn về môi trường năm nay là cơ hội để các bên cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với ngành tài nguyên và môi trường, thời gian qua, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tổ chức triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu tại lễ phát động

Bộ trưởng khẳng định, việc hoàn thành xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng và tỉnh của các Bộ, ngành, địa phương sẽ là cơ sở quan trọng cho việc định hướng, thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững; có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước và công tác đối ngoại.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các ban, Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cùng hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hóa, góp phần bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, đảo; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tốt rác thải nhựa đại dương; nâng cao trữ lượng carbon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon. Có nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên cả nước.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường. Đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền ra biển và đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa. Ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.

Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp phân vùng, định hướng phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, đối tác, tổ chức quốc tế, khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền, các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, quốc gia trên lưu vực sông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn nguồn nước, an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung về biển, đại dương; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tham gia vào các nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải thông qua các nỗ lực trồng rừng, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân. Đa dạng các phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội.

Thanh Bảo (T/H)