Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Thứ hai, 10/6/2024 | 10:23 GMT+7
Trong khuôn khổ chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, trong đó quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Nghị quyết được 466/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,69% tổng số đại biểu Quốc hội. Báo cáo giám sát chuyên đề này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10.

Bên cạnh đó, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Các vị đại biểu Quốc hội nhận định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ giám sát năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện. Các hoạt động giám sát được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực thi pháp luật, đặc biệt là đối với vấn đề được giám sát. Qua hoạt động giám sát đã cung cấp nhiều cơ sở thực tiễn quan trọng, bảo đảm gắn kết với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Các vị đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao việc lựa chọn hai chuyên đề giám sát năm 2025 là phù hợp, đều là những vấn đề rất quan trọng, mang tính thời sự, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Lam An (T/H)