Nông nghiệp sạch

Bình Thuận hướng đến mục tiêu 70% vùng trồng thanh long đạt VietGAP, GlobalGAP

Thứ ba, 2/3/2021 | 12:07 GMT+7
Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ của tỉnh Bình Thuận không chỉ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) nông thôn tỉnh Bình Thuận, diện tích thanh long toàn tỉnh hiện là 33.750ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 690.000 tấn. Trong đó, tỉnh đã có khoảng 11.419ha thanh long được công nhận đạt chuẩn VietGAP và 517ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tại huyện Hàm Thuận Bắc, thanh long là cây trồng chủ lực với diện tích khoảng 8.630ha, trong đó có 3.540ha thanh long VietGAP. Hàng năm diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP của huyện đều đạt từ 95% chỉ tiêu được giao.

Vườn trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc vào ban đêm

Theo quy hoạch của tỉnh Bình Thuận, đến năm 2025 tỉnh sẽ phấn đấu để diện tích trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP đạt hơn 70%. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người sản xuất và tiêu dùng, lãnh đạo tỉnh cần tập huấn cho cán bộ hướng dẫn nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ hiệu quả, khắc phục phụ thuộc tiêu thụ nông sản tươi ở một thị trường nhất định theo đường tiểu ngạch.

Những năm qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được Sở NN&PTNT, nhất là trung tâm Nghiên cứu phát triển thanh long tỉnh Bình Thuận quan tâm. Nhiều đề tài được triển khai, nhân rộng đưa vào sản xuất thanh long có hiệu quả, theo hướng bền vững như chương trình sản xuất thanh long VietGAP.

Tỉnh đã lồng ghép các chương trình, dự án để tập huấn, hướng dẫn, phổ biến cho hàng ngàn hộ nông dân trồng thanh long trên địa bàn về kỹ thuật trồng trái cây theo chương trình VietGAP; phòng trừ sâu bệnh, sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật ...

Hội Nông dân các cấp tỉnh Bình Thuận hiện cũng nhận nhiệm vụ trong việc tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất thanh long bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận. Hiện nay các thị trường nước ngoài đã siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn; trong đó, yêu cầu phải có chứng nhận vùng trồng.

Chính vì vậy, Hội Nông dân đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ chính sách phát triển thanh long bền vững, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Theo đó, một số cách làm đã đem lại hiệu quả, hỗ trợ nông dân trong tỉnh như: phối hợp với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đưa vào sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng kích thích ra hoa trái vụ tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất; phối hợp với Công ty Enzyma triển khai một số mô hình ứng dụng sinh học trên cây thanh long…

Khả Di