Bình Thuận quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất

Thứ hai, 4/7/2022 | 11:27 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi các Sở, ban, ngành tăng cường công tác khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên này theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước.

Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn nhất của cả nước. Hàng năm, tỉnh luôn phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô. Hiện tình trạng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 40% từ nước mặt, còn lại hầu hết là từ nguồn nước ngầm. Do đó, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, tỉnh Bình Thuận đã ban hành các quy định quản lý như cấp phép khai thác, cấp phép hành nghề khoan nước ngầm; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng trữ lượng nước ngầm.

Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, cấp phép hành nghề khoan nước ngầm

Theo văn bản, để tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; rà soát cá nhân, tổ chức hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn và hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất đối với tổ chức, cá nhân đủ điều kiện; kiên quyết xử lý hành vi hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép, không thực hiện thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, các địa phương tập trung rà soát các giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã thực hiện xong trên địa bàn mà không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng, đồng thời yêu cầu các chủ giếng (chủ dự án) thực hiện việc xử lý, trám lấp theo quy định.

UBND các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (đến cấp xã, phường, thị trấn) các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công  trình  ngầm, tháo khô mỏ… nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Minh Khang