Hà Tĩnh quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước

Thứ sáu, 1/7/2022 | 11:10 GMT+7
Trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, việc duy trì, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, biến đổi khí hậu do sự ấm lên của trái đất đã ảnh hưởng hưởng đến quá trình phân phối lượng mưa, gây những tác động nhất định đến đặc điểm tài nguyên nước. Những năm gần đây, quy luật thời tiết đã có nhiều biến đổi khác thường, nắng nóng kéo dài và lượng mưa rất ít.

Mặc dù được đánh giá là địa phương có trữ lượng nguồn nước đứng đầu cả nước, tuy nhiên rất nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn chịu cảnh “đói nước sạch”, không thể mua nổi nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, như huyện Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, phía Nam huyện Cẩm Xuyên, các xã Đức Quang, Đức Thủy, Đức Trung (huyện Đức Thọ), các xã Song Lộc, Trường Lộc, Vượng Lộc (huyện Can Lộc).

Quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Đáng chú ý, ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn buộc người dân phải bỏ số tiền lớn để mua nước sạch đóng thùng về sử dụng. Trong khi đó, một số vùng thuộc huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Can Lộc phải tích trữ nước mưa để ăn, nước từ các giếng khơi nhiễm phèn, ao hồ để tắm giặt.

Lý giải về việc thiếu hụt nguồn nước tại nhiều khu vực, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do tác động từ biến đổi khí hậu và ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của người dân còn chưa cao.

Ông Hồ Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh đánh giá: “Hầu hết người dân xem nước là nguồn tài nguyên vô hạn và thoải mái sử dụng. Chính quan niệm sai lầm đó đã dẫn đến những khó khăn trong điều phối nước, tình trạng thiếu nước ngày một nghiêm trọng hơn”.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Phan Lam Sơn cho biết: Nhằm góp phần quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, những năm qua, đơn vị đã tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép theo quy định. Thông qua hoạt động cấp phép, đơn vị đã cơ bản kiểm soát được chất lượng, số lượng nguồn nước sử dụng, chất lượng nguồn nước tiếp nhận nước thải nhằm bảo vệ nguồn nước.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 43 cơ sở được cấp phép khai thác nước mặt với tổng công suất xấp xỉ 161.000 m3/ngày đêm; 118 giấy phép khai thác nước dưới đất (nước ngầm) với quy mô khai thác 7.630 m3/ngày, chủ yếu phục vụ sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ tại các vùng chưa được cấp nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng hết sức quan tâm việc xả nước thải vào nguồn nước.

Đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nhấn mạnh, quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu và cùng chung tay gìn giữ, tiết kiệm nguồn nước là giải pháp hiệu quả đảm bảo việc quản lý, phát triển bền vững nguồn nước hiện nay.

Ngoài ra, để bảo vệ và khai thác nguồn nước một cách bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý để tránh sự lãng phí và thất thoát xảy ra. Muốn giải quyết bài toán nước sạch hiện nay, cần phải có quá trình nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các vấn đề một cách kỹ lưỡng.

Huyền Dung (T/H)