Khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi

Thứ tư, 29/6/2022 | 16:48 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Sớm nhận thức được tầm quan trọng của an ninh nguồn nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tài nguyên nước quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật với Luật Tài nguyên nước năm 2012 và 63 văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành, triển khai Luật.

Thực tế đòi hỏi chúng ta cần phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu này, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, sửa đổi Luật Tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Luật Tài nguyên nước trên một số nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu cơ bản.

Trong đó, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia hiện đại trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái; phát triển kinh tế nước, coi nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế

Tham gia hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Việt Nam đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý và chính sách toàn diện để quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên các lưu vực sông, đặc biệt là thông qua Luật Tài nguyên nước 2012 và các công cụ pháp lý hỗ trợ. Mặc dù, khuôn khổ này đã góp phần định hình cơ hội phát triển của đất nước, nhưng có một số mối đe dọa gia tăng đang gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước, gây ra căng thẳng về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo phân tích gần đây của WB, mức độ gia tăng của các mối đe dọa liên quan đến nước có thể làm giảm khoảng 6% GDP của Việt Nam hàng năm vào năm 2035, nếu các hành động quyết định không được thực hiện.

Do đó, bà Carolyn Turk nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 là bước tiến quan trọng đầu tiên. Trong tương lai, Việt Nam phải hướng tới việc thực hiện có hiệu quả Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bao gồm thông qua nâng cao năng lực, tài chính và đầu tư. WB cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để chuyển các quy định pháp luật thành hành động phối hợp nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và tạo ra một Việt Nam đảm bảo nguồn nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chia sẻ về báo cáo rà soát đánh giá Luật Tài nguyên nước 2012 và các khuyến nghị cho việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của WB. Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Pháp và Tổ chức đối tác về nước Australia đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông và quản lý hạn hán, thiếu nước và bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá, các ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp được đề xuất, kiến nghị sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước một cách đồng bộ, tổng hợp, thống nhất, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.

Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước trên cơ sở nội dung thảo luận tại hội thảo cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tài nguyên nước, bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu đặt ra. Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước bên cạnh hỗ trợ sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong thời gian tới tiếp tục có các chương trình, dự án hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ở Việt Nam.

Mỹ Dung