Nông nghiệp sạch

Các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam triển khai Đề án ngành thú y

Thứ sáu, 23/6/2023 | 16:39 GMT+7
Ngày 23/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành thú y giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm thể hiện sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ cần thiết và hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong công tác thú y, với sứ mệnh bảo vệ sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm, sức khỏe con người và môi trường.

Theo Thứ trưởng, những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thú y, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm soát vấn đề kháng thuốc theo cách tiếp cận “Một sức khỏe” do FAO triển khai. Nhờ đó, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh động vật lây sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái và chủ động hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, công tác thú y vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, còn Việt Nam phải đối diện với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, dại, nhiệt thán, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu, bò...

Để khắc phục những khó khăn trên, Việt Nam đã đưa 3 giải pháp gồm: đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc thú y. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, kiểm dịch động vật; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành thú y giai đoạn 2021 - 2030

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu rõ 8 nhóm giải pháp cần thực hiện từ nay đến năm 2030 để triển khai Đề án ngành thú y. Cụ thể, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y; tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; nâng cao năng lực nghiên cứu thú y; nâng cao năng lực quản lý các dịch vụ thú y.

Hiện Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thường xuyên đến các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai việc thực hiện Đề án. Đồng thời, đã làm việc với nhiều đối tác quốc tế và đề nghị hỗ trợ triển khai các nội dung có liên quan, nhất là nội dung về phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm soát sử dụng kháng sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm; các hoạt động "Một sức khỏe" và nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh cho động vật.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Đề án thu được nhiều kết quả. Trong đó, có việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án ngành thú y, Bộ NN&PTNT đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác trên 9 nhóm công tác chính.

Thứ nhất, tổ chức triển khai có hiệu quả 6 chương trình, kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt bệnh lây truyền qua biên giới, bệnh lây sang người, dịch bệnh mới nổi, có nguy cơ phát sinh trong tương lai.

Thứ hai, chủ động phòng bệnh với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, đó là xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho người dân Việt Nam.

Thứ ba, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các phòng thí nghiệm chủ lực để củng cố năng lực giám sát dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất, đánh giá các loại vaccine phòng bệnh.

Thứ tư, chuyển giao khoa học, công nghệ, nguyên vật liệu và chuyên gia để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine, nhất là các vaccine quan trọng như cúm gia cầm, dại, dịch tả lợn châu Phi và các vaccine phòng bệnh thủy sản.

Thứ năm, nâng cao năng lực, thiết kế và tổ chức giám sát, cảnh báo nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng kháng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thú y; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y; thiết lập hệ thống trực tuyến kết nối hệ thống thú y các cấp để phục vụ đào tạo, tập huấn, chỉ đạo điều hành trong công tác thú y.

Thứ bảy, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thú y cho các cán bộ ngành thú y Việt Nam, đặc biệt về dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh; phân tích nguy cơ trong xuất khẩu, nhập khẩu động vật; kiểm soát sử dụng thuốc, kháng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Thứ tám, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước về công tác thú y; lựa chọn Việt Nam để tổ chức các sự kiện quan trọng của ngành thú y thế giới về phòng, chống dịch bệnh động vật, phòng, chống kháng thuốc và về “Một sức khỏe”.

Thứ chín, rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về thú y.

Thanh Tâm (T/H)