Năng lượng tái tạo

Cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện

Thứ sáu, 8/11/2024 | 09:13 GMT+7
Theo đại biểu Quốc hội, cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện để kích thích phát triển thị trường mới này, khuyến khích phát triển công nghệ lưu trữ điện.

Ngày 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Quan tâm đến việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương) dẫn lại Khoản 3 Điều 31 quy định: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện và sử dụng điện".

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, dự thảo luật hiện đã đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ điện, tuy nhiên cần cụ thể hóa hơn vai trò của các công nghệ lưu trữ năng lượng trong việc bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió có tính gián đoạn thì các hệ thống lưu trữ như pin, hệ thống lưu trữ khí hydro sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.

Do đó, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện để kích thích phát triển thị trường mới này, khuyến khích phát triển công nghệ lưu trữ điện.

Ảnh minh họa

Về quy định về phát triển điện gió ngoài khơi (từ Điều 38 đến Điều 46, Mục 2), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để bảo đảm tính thống nhất pháp luật vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền. Đồng thời, cần có quy định minh bạch về điện gió gần bờ và trên bờ.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận) cho rằng, việc bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo luật.

Do vậy, việc bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi là việc hết sức cần thiết song cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quan tâm đến Điều 27 dự thảo luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung về loại hình điện gió trên biển, gồm điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, ngoài loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới được quy định trong dự thảo luật thì hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư. Điển hình như họ cần sự bảo đảm của nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, nếu được bổ sung nội dung này, sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nhưng cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đức Dũng (t/h)