Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên
Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với nội dung sau: nhà đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); tên dự án đầu tư: đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận lên lưới điện quốc gia; tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia; giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh điện của EVN. Bên cạnh đó, dự phòng nhu cầu nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Địa điểm thực hiện dự án tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Quy mô dự án: xây dựng mới đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, mạch kép dài khoảng 228,92 km; mở rộng thêm 2 ngăn lộ 500kV tại trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên đi trạm biến áp 500kV Lào Cai. Vốn đầu tư của dự án: khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/11/01/ban-tin-1-20241103155844218.jpg)
Ảnh minh họa
Về tiến độ thực hiện, dự án khởi công vào tháng 12/2025; thi công xây dựng trong thời gian 6 tháng; phấn đấu hoàn thành đóng điện, đưa công trình vào sử dụng trong tháng 5/2026.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định pháp luật; chỉ đạo và hướng dẫn EVN trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án, phù hợp với mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia và khẩn trương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở dự án. Đồng thời, chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.
Đức chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo với Việt Nam
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long vừa làm việc với bà Bärbel Kofler, Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (BMZ), CHLB Đức và đoàn đại biểu đang làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, bà Bärbel Kofler bày tỏ vui mừng về nhiều lĩnh vực hợp tác thành công trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – CHLB Đức thời gian qua, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày. Bên cạnh đó, hợp tác năng lượng luôn là điểm sáng và trọng tâm trong quan hệ song phương với nhiều dự án hợp tác năng lượng của Đức tại Việt Nam.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/11/01/ban-tin-3-20241103155838811.jpg)
Đoàn công tác từ CHLB Đức làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương. (Ảnh: moit.gov.vn)
Theo bà Bärbel Kofler, quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) sẽ là trọng tâm trong hợp tác năng lượng giữa hai nước thời gian tới và cam kết sẽ hỗ trợ đa lĩnh vực, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo với Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu cũng như tầm quan trọng đặc biệt của Đức trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp, năng lượng với Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã thông tin về việc Bộ Công Thương thành lập, triển khai 10 tiểu nhóm công tác trong Nhóm Công nghệ và năng lượng triển khai JETP tại Việt Nam. Theo đó, hiện phía Đức đang đồng chủ trì 2 tiểu nhóm và tham gia tích cực vào 4 tiểu nhóm công tác khác. Thứ trưởng hy vọng các dự án có sự tham gia của CHLB Đức sẽ là điểm sáng trong triển khai JETP tại Việt Nam, đặc biệt là dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE sẽ trở thành dự án “hải đăng” trong khuôn khổ JETP nói riêng và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – CHLB Đức nói chung trong thời gian tới.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, gặp gỡ thường xuyên giữa các cấp làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, qua đó tạo bước chuyển mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư của CHLB Đức tại Việt Nam tương xứng hơn nữa với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Thúc đẩy tiến độ triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và lãnh đạo Tập đoàn PNE (CHLB Đức) về dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu của PNE tại tỉnh Bình Định.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/11/01/ban-tin-2-20241103155843890.png)
Ảnh minh họa
Tại buổi làm việc, ông Thorsten Fastenau, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn PNE đã giới thiệu lịch sử và kinh nghiệm của PNE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng. Với trên 30 năm kinh nghiệm, hoạt động ở 14 quốc gia, 4 châu lục với hơn 600 nhân viên, hiện PNE là tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển điện gió ở CHLB Đức, đã phát triển 8 dự án điện gió ngoài khơi có tổng công suất 2.644 MW với số vốn đầu tư trên 13 tỷ USD.
Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn PNE cũng chia sẻ và cập nhật tiến độ khảo sát, công tác đo gió, triển khai các nghiên cứu tiền khả thi về dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu của PNE tại tỉnh Bình Định. Dự án có tổng mức vốn đầu tư ước tính khoảng 4,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn cũng nêu một số kiến nghị trong việc tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, phát triển năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió vẫn là ưu tiên để chống thiếu điện tại Việt Nam. Việt Nam vẫn cần thêm nhiều năng lượng cho phát triển do đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo vào Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn trong dài hạn.
Đối với các vướng mắc của Tập đoàn PNE, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra một số khuyến nghị chi tiết về điều chỉnh công suất đối với từng giai đoạn của dự án để phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Thứ trưởng khằng định, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư thúc đẩy dự án nhằm đảm bảo hiệu quả tổng thể, lợi ích hài hòa giữa các bên, phối hợp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án trong thời gian tới.