Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các giống lúa mới theo hướng chất lượng cao và bền vững hơn, điển hình là các giống lúa Gia Lộc 601 và HD12. Những giống lúa này có đặc tính ưu việt, đáp ứng tốt nhu cầu làm nguyên liệu cho sản xuất bún, bánh, giúp sợi bún và bánh dẻo dai, chất lượng hơn.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương Nguyễn Phú Thụy chia sẻ, Hải Dương là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn với sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 700.000 tấn mỗi năm; trong đó khoảng 500.000 tấn phục vụ tiêu dùng trong tỉnh; 200.000 tấn cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố và xuất khẩu.
Tỉnh có hơn 3.000 cơ sở xay xát đang làm gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, chế biến cho cơ sở bánh kẹo, sản xuất rượu. Một số đặc sản bánh kẹo từ gạo như bánh gai, bánh khảo của Hải Dương đang trở thành thế mạnh, góp phần nâng cao đời sống người dân và thu hút du khách.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/10/san-pham-lua-gao-20241010171637225.png)
Sản phẩm chế biến từ lúa gạo chất lượng cao
Theo ông Nguyễn Phú Thụy, mặc dù Hải Dương có một số cơ sở chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại nhưng tỉnh vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu do hạn chế về vốn và mặt bằng. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuẩn hóa vùng trồng và xây dựng thương hiệu lúa gạo, bao gồm cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thương lái, làm ảnh hưởng đến giá cả và lợi ích của người nông dân.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đề xuất cần có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống xay xát theo hướng hiện đại, ổn định và phù hợp với thị trường nội địa, tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu gạo Hải Dương. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ nông dân, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn.
Về giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là chuỗi lúa gạo, TS. Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp góp ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền tài liệu và định hướng chiến lược rõ ràng cho nền nông nghiệp nói chung.
Cụ thể, ông Trường đề xuất 5 chiến lược quan trọng: đầu tư nghiên cứu và sản xuất giống lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu hạn, chịu mặn; áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất lúa. Đầu tư cho khâu bảo quản và chế biến nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và gia tăng năng lực dự trữ cho doanh nghiệp. Phát triển các mô hình hợp tác xã giúp nông dân kết nối và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Ông Hoàng Xuân Trường cũng khuyến nghị về công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Điều này bao gồm việc tạo lập mã vùng trồng lúa cho xuất khẩu và chỉ dẫn địa lý nhằm bảo hộ nhãn hiệu gạo Việt. Đặc biệt cần phát triển mô hình sản xuất lúa gạo bền vững, thân thiện với môi trường để đảm bảo ngành lúa gạo không chỉ tăng trưởng mà còn đóng góp tích cực vào bảo vệ hệ sinh thái.
Đại diện các địa phương bày tỏ mong muốn có thêm thông tin về công nghệ chế biến lúa gạo chất lượng cao để có thể khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng, qua đó nâng cao giá trị sản xuất; đồng thời đề xuất sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, chọn tạo giống lúa có năng suất và chất lượng phù hợp cho chế biến sâu.