Ngày 3/10, tại TPHCM, Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp tổ chức hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cho 24 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Bộ, Tây Nguyên.
Tại hội nghị, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp chia sẻ, chưa bao giờ chuyển đổi số lại lan tỏa rộng và đem lại hiệu quả trong quản lý rừng, thủy lợi, phòng chống thiên tai... như hiện nay. Chuyển đổi số giúp công cuộc sản xuất, điều hành, nâng cao năng suất, minh bạch chất lượng nông sản, đặc biệt trong bối cảnh nông sản Việt Nam hướng đến xuất khẩu vào những thị trường khó tính, cạnh tranh cao.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/3/chuyen-doi-so-nn-2-20241003181418714.jpg)
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, năm 2024 là năm thúc đẩy chuyển đổi số các trụ cột kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Để thúc đẩy chuyển đổi số, ngành nông nghiệp phải đi theo hướng mới, áp dụng mạnh mẽ nhiều giải pháp công nghệ, phổ biến nền tảng Internet vạn vật (IoT) nhằm thu thập, làm sạch, khai thác, sử dụng các yếu tố trong chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, từ khâu làm đất đến gieo trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận về những thách thức trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp, từ đó đưa ra đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đại biểu cũng đánh giá thực trạng và điểm nghẽn trong quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn, đề xuất giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế ra mắt hệ thống giám sát sản xuất lúa RiceMore. Hệ thống giúp nâng cao khả năng theo dõi, quản lý và chỉ đạo sản xuất lúa một cách hiệu quả. Đây không chỉ là công cụ đột phá trong quản lý quy trình sản xuất mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số với kỳ vọng mang lại lợi ích cơ bản như: tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí; tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp... Bắt nhịp với xu hướng công nghệ số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chuyển đổi số không còn là hiện tượng mà trở thành phong trào ở khắp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. |
Lam An (T/H)