Theo kế hoạch số 262/KH-UBND, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện kế hoạch chương trình OCOP trên địa bàn với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh hướng đến tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/9/ocop-dong-nai-20241009143901526.jpg)
Tỉnh Đồng Nai tích cực phát triển các sản phẩm OCOP
Chương trình phấn đấu đạt ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, tổ hợp tác và 30% chủ thể là các doanh nghiệp. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Củng cố, nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và có ít nhất 2 sản phẩm làng nghề và nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ tổ chức tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý, sản xuất, kinh doanh cho 100% cán bộ quản lý nhà nước thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Xây dựng, triển khai thực hiện các dự án khởi nghiệp cấp tỉnh; điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm khác cấp tỉnh, cấp huyện; dự án phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh sản phẩm của huyện.
Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức thực hiện hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về chương trình OCOP. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất, yêu cầu của thị trường.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; tổ chức quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển đổi số; xây dựng và triển khai các dự án thành phần của chương trình OCOP; phát triển du lịch gắn với OCOP…
Thông qua chương trình, UBND tỉnh Đồng Nai kỳ vọng nông dân, tổ hợp tác, các hợp tác xã dần thay đổi nhận thức về phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Từ đó, các chủ thể OCOP không chỉ chăm chút ở khâu sản xuất mà còn quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn hàng, thương hiệu gắn với đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm.
Được biết, tỉnh Đồng Nai hiện có 232 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Các địa phương đã chú trọng nâng hạng, nâng sao cho các sản phẩm OCOP, trong đó luôn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP bằng uy tín chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.