Cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Thứ ba, 9/6/2020 | 09:51 GMT+7
Báo cáo số 32/BC-BCT ngày 25/5/2020 của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW.

Thực hiện theo các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Tài chính cho Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ ký giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu, phía Việt Nam đã có cam kết thực hiện hàng năm sẽ công bố công khai thông tin vể tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Báo cáo số 32/BC-BCT ngày 25/5/2020 về tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW. Trong đó: các nguồn điện do EVN đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm: các dự án do các tập đoàn nhà nước EVN, PVN, TKV là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án đầu tư theo hình thức IPP. Tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ảnh minh họa

Báo cáo đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình nguồn điện/lưới điện vào vận hành nhằm tăng cường khả năng cấp điện và khả năng giải tỏa công suất như: đôn đốc các chủ đầu tư xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền và báo cáo Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với các dự án Sông Hậu I, Thái Bình II, Long Phú I; chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Nhiệt điện BOT Duyên Hải II (2022), Nhiệt điện BOT Vân Phong I (2023), Nhiệt điện Sông Hậu I (2021), Nhiệt điện Thái Bình II (2022), Nhiệt điện Long Phú I (2023), Nhiệt điện Nhơn Trạch III & IV (2023 - 2024)...

Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng tiến độ. Khẩn trương xây dựng lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện này. Xây dựng chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, các nguồn thủy điện nhỏ ở khu vực miền núi phía Bắc; đôn đốc, đảm bảo tiến độ xây dựng đường dây 500k Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku2 đảm bảo vận hành trong năm 2020.

Trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, xà lan/nhà máy điện nổi để cấp điện. Với thời gian giao hàng ngắn, theo hợp đồng từ 3 đến 10 năm và dải công suất giao động trong khoảng 30 MW đến 620 MW. Đây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp.

Xem xét chuyển đổi nhiên liệu đối với Nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước hiện hữu (3X125 MW) sang sử dụng LNG và bán toàn bộ điện năng lên lưới. Lắp đặt thêm 3 tuabin khí, nâng quy mô công suất lên 3X(270+125) MW (tổng 1.185 MW) để nâng cao hiệu suất và bổ sung nguổn điện, giảm sản lượng điện thiếu cho hệ thống điện quốc gia từ cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu phụ tải điện và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chỉ đạo EVN và các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của các chương trình quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng khách hàng sử dụng điện.

Tiếp tục nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực theo chủ trương Chính phủ đã phê duyệt.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc tăng cường năng lực khai thác, tăng khả năng cấp than cho sản xuất điện.

Đẩy nhanh hoặc cải cách hành chính thủ tục điều chỉnh quy mô, tiến độ ác dự án lưới điện đã có trong danh mục của Quy hoạch điện VII điều chỉnh để đảm bảo tiến độ các dự án.

Đình Tú