Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn

Thứ hai, 9/10/2023 | 17:56 GMT+7
Ngày 9/10, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn.

Theo thông tin tại hội thảo, giá nước sạch thu được hầu như không thể bù đắp đầy đủ chi phí quản lý vận hành và khấu hao… trong khi việc xây dựng, trình phê duyệt phương án giá theo mục tiêu bù đắp chi phí đối với các công trình đang rất chậm chạp, do tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc. Trong khi đó, mục tiêu của Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 nêu rõ, đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn (tối thiểu 60 lít/người/ngày), năm 2045 đạt 100% dân cư được sử dụng nước sạch.

Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn, sơ lược hiện trạng chính sách về giá nước, cấp bù và hỗ trợ giá nước sạch nông thôn ở cấp Trung ương, chỉ ra kinh nghiệm triển khai ở một số tỉnh. 

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Văn phòng điều phối cấp nước và vệ sinh nông thôn cho biết, trên thực tế, giá tiêu thụ nước sạch được đánh giá là yếu tố chủ chốt quyết định đến tính hiệu quả và bền vững của công trình, tuy nhiên giá nước hiện được áp dụng rất khác nhau, có sự chênh lệch lớn về mức giá, cơ cấu chi phí trong giá thành giữa các công trình, mô hình tổ chức quản lý vận hành.  

Chia sẻ về xây dựng giá nước, bù giá, hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn, ông Đinh Văn Đạo, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thông tin, dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song nước sạch nông thôn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, địa phương và giữa huyện, xã trong một tỉnh. Việc quản lý, cung cấp dịch vụ công về nước sạch nông thôn ở địa phương chưa ổn định và hiệu quả. Công trình cấp nước đang ngày càng xuống cấp, suy giảm năng lực cấp nước do thu không bù chi, đặc biệt cho chi bảo trì.

Theo đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, để đạt được mục tiêu lớn hơn hoặc bằng chi, vấn đề giá nước, bù giá và hỗ trợ giá cần có những giải pháp đồng bộ các cấp. 

Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình phát triển vì sự sống còn của trẻ em, UNICEF Việt Nam cho biết, việc xây dựng giá nước phù hợp đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cộng đồng nông thôn có quyền tiếp cận công bằng và bền vững với tài nguyên nước. Các bên cần phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp bền vững nhằm giải quyết những thách thức đặt ra. 

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, với nhiều dự án nước sạch nông thôn, UNICEF khuyến nghị Việt Nam cân nhắc triền khai hệ thống biểu giá nước một cách hiệu quả. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định điều kiện kinh tế, xã hội đa dạng của các cộng đồng nông thôn, như yếu tố mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, khó khăn về kinh tế. Cần đạt được sự cân bằng giữa việc đảm bảo thu hồi chi phí vận hành bền vững và đảm bảo khả năng chi trả đối với tất cả các thành viên trong cộng đồng. 

Các khung chính sách và quy định đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý nước sạch nông thôn. Vì vậy, cần có hướng dẫn, khung pháp lý và thể chế rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng, giám sát và triển khai giá nước; các cơ quan nhà nước phải thiết lập chính sách hỗ trợ nhằm ưu tiên nhu cầu của cộng đồng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để triển khai giá nước một cách bền vững, công bằng.

Quản lý giá nước sạch nông thôn cũng cần sự tham gia của các bên liên quan, nhất là với các công trình do cộng đồng, UBND xã quản lý, qua đó tạo ý thức về sự sở hữu, tính minh bạch, gia tăng sự tin tưởng của thành viên trong cộng đồng. 

Đại diện UNICEF lưu ý, khu vực nông thôn thường thiếu kiến thức và chuyên môn kỹ thuật về quản lý nước, thiết lập biểu giá. Do đó, thông qua các chương trình tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật, có thể trao quyền để cộng đồng địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ nước tại địa phương chịu trách nhiệm đối với hệ thống nước địa phương. Việc giám sát và đánh giá cũng là hợp phần quan trọng trong quản lý giá nước sạch nông thôn; việc đánh giá thường xuyên về cơ cấu biểu giá, khả năng chi trả và cấu trúc giá, cũng như tìm hiểu doanh thu, chất lượng dịch vụ giúp đảm bảo cải thiện liên tục.

Thanh Bảo