Họp thẩm định Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2050

Thứ sáu, 6/10/2023 | 10:20 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành, Chủ tịch Hội đồng vừa chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định liên ngành nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, đơn vị chủ trì dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước, góp phần giải quyết những thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực và các địa phương khu vực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mục tiêu đến năm 2030, dự thảo Quy hoạch hướng tới đảm bảo tích trữ, điều hòa, phân bổ nguồn nước hợp lý bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng quy hoạch, nhất là tiểu vùng hạ lưu sông Đồng Nai, các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia...

Tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác hại do nước gây ra; hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh.

Xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai với mục tiêu tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, chất lượng nước

Quy hoạch gồm có các nội dung chính như: chức năng nguồn nước; quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông; quản lý khai thác, sử dụng nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông; nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt tại khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; phòng, chống ngập lụt, sụt, lún mặt đất và xâm nhập mặn nước dưới đất; giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước.

Theo đó, dự thảo Quy hoạch tập trung vào các giải pháp tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước; điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; các giải pháp về phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch; nhất trí thông qua dự thảo Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình phê duyệt.

Trong đó, các thành viên Hội đồng, đại diện Sở TN&MT 10 tỉnh, thành phố có địa phận sông Đồng Nai chảy qua đề nghị đơn vị chủ trì lập Quy hoạch bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan tới đánh giá hiện trạng, dự báo xu thế biến động tài nguyên nước; đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước, dự báo nhu cầu nước và phân vùng chức năng nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra; xác định hệ thống giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, chất lượng nước và xả nước thải vào nguồn nước; tích hợp đánh giá môi trường chiến lược…

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý xây dựng Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị đơn vị thực hiện nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ trước khi trình lãnh đạo Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bảo An (T/H)