Văn hóa, du lịch

Chú trọng chuyển đổi số và phát triển sản phẩm đặc thù trong ngành du lịch

Thứ năm, 19/8/2021 | 15:58 GMT+7
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng nhiệm vụ chuyển đổi số và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trong toàn ngành du lịch.

Hướng đến chuyển đổi số trong toàn ngành

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngành du lịch

Theo đó, nhiệm vụ của Chương trình là phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hóa tài nguyên du lịch Việt Nam; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam; thống nhất công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương.

Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Với nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số, Chương trình yêu cầu phải chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương

Bên cạnh chuyển đổi số, Chương trình còn đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao như: du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, du lịch đô thị; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; thí điểm phát triển sản phẩm du lịch tới các đảo xa bờ.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, đảm bảo kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch của vùng và quốc gia. Đặc biệt, ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa đặc trưng, nổi trội của mỗi địa phương, ưu tiên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững; chú trọng khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của từng địa phương, từng vùng để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của từng địa phương, từng vùng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch đông khách du lịch; phát triển các loại hình du lịch thể thao có tiềm năng, thế mạnh phát triển tại Việt Nam.

Khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tại các khu du lịch, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng (hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ…), chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển thị trường du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực du lịch; đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm tiền ký quỹ kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững, Bộ sẽ xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Việt Nam đến năm 2025.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ; xây dựng, triển khai Chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động nghề du lịch; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, nhân lực quản trị doanh nghiệp du lịch; quan tâm giữ lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt lớn và chất lượng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thanh Tâm