Nông nghiệp sạch

Chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa

Thứ sáu, 5/1/2024 | 14:35 GMT+7
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 67/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Thông qua đề án, tỉnh Thanh Hóa mong muốn kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên và các nguồn lực khác. Đa dạng hóa hình thức kết nối, tạo ra các liên kết phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng nhóm sản phẩm, phát huy tính ưu việt và hiệu quả của những mô hình liên kết để xây dựng các kết nối phát triển một cách bền vững.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là phát triển kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng, quy mô lớn, có hệ thống kho bảo quản và nhà máy sơ chế, chế biến phù hợp với quy mô sản xuất; nâng cao thu nhập của người sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực của các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ để mở rộng khả năng kết nối, tạo liên kết bền vững giữa chủ thể; phát triển mạnh năng lực kinh doanh cho cơ sở chế biến, làm hạt nhân cho hoạt động kết nối; kết nối để hình thành và phát triển đa dạng hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đảm bảo phù hợp với trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

Trong đó, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu kết nối tạo liên kết và hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 2.000 chuỗi trở lên (trung bình tăng 6%/năm). Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được truy xuất nguồn gốc đạt 40% trở trên; được sơ chế, chế biến đạt từ 40% tổng sản lượng sản xuất trở lên. Tỷ lệ cơ sở chế biến được nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC...) đạt từ 20% cơ sở hiện có trở lên.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa

Đề án nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Điển hình như: tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu với việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển sản xuất đạt tiêu chuẩn, chứng nhận như đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hỗ trợ phát triển diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững (GlobalGAP, 4C, UTZ, Fairtrate, Halal, Oganic...), ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng thông qua chương trình hỗ trợ chứng nhận, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ, chương trình, giải pháp phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong sản xuất, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng năng suất lao động, phát triển toàn diện, bền vững; thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động, công nghệ IoT (internet kết nối vạn vật), sử dụng các loại phân bón sinh học, hữu cơ; quản lý sinh vật có hại bằng biện pháp sinh học, thảo mộc, vật lý có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động môi trường; phát triển diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030 theo Kế hoạch số 260/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm: xác lập quyền đăng ký các nhãn hiệu sở hữu cộng đồng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế cao của tỉnh, tạo điều kiện để tiêu thụ ổn định trong thời gian tới; tiếp tục hỗ trợ xây dựng và chứng nhận mã vùng trồng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phục vụ kiểm soát chất lượng, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, hướng tới mục tiêu xuất khẩu; trước mắt tập trung cho các sản phẩm đã và đang tiêu thụ tốt trên thị trường (sữa bò, mía đường, chả cá surami, ván ép, gạo chất lượng cao...). Ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số vào quá trình canh tác, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đến khâu phân phối và tiêu thụ...

Ngọc Huyền