Kinh tế xanh

Chú trọng phát triển ngành kinh tế biển Phú Yên

Thứ sáu, 8/7/2022 | 11:09 GMT+7
Với vị trí địa lý thuận lợi cùng thành quả phục hồi các hoạt động kinh tế biển, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đề cao định hướng đầu tư và phát triển ngành trong thời gian tới.

Qua đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, ngành kinh tế thuần biển tỉnh Phú Yên đóng góp từ 8 - 10% GRDP; hình thành 5 khu công nghiệp tập trung ở khu vực ven biển với tổng diện tích hơn 460ha, có hơn 80 dự án đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực, đầy triển vọng cho ngành kinh tế biển của địa phương này.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, tỉnh Phú Yên có bờ biển dài 189km, nhiều vùng, vịnh, đảo và cụm đảo gần bờ; vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 34.000km; sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt hơn 60.000 tấn với nhiều loại thủy sản giá trị. Đây là tiềm năng, thế mạnh để Phú Yên đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo, nuôi biển, khai thác, đánh bắt thủy sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển giao thông, cảng biển.

Đầu tư phát triển ngành kinh tế biển Phú Yên đa dạng trên nhiều lĩnh vực

Những năm gần đây, tỉnh Phú Yên tập trung nghiên cứu các mô hình kinh tế biển đã thành công trong nước để đưa ra định hướng phát triển cho khu kinh tế trên địa bàn. Trong đó, khu kinh tế Nam Phú Yên trải dài khoảng 50km đường bờ biển, diện tích hơn 21.000ha, hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế để phát triển thành khu kinh tế trọng điểm, động lực của địa phương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã phê duyệt các quy hoạch như Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Nam Trung Bộ ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa); Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2020. Đối với địa bàn Phú Yên, Trung ương cần sớm quan tâm đầu tư hạ tầng các tuyến đường bộ cao tốc từ Phú Yên lên Tây Nguyên và hỗ trợ đầu tư các tuyến đường bộ ven biển, tạo động lực cho Phú Yên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Trong chuyến làm việc với tỉnh Phú Yên mới đây, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục. Bao gồm: sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh phải theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển.

Đặc biệt, tỉnh Phú Yên phải chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của địa phương là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc quốc lộ 25, quốc lộ 29, quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên; kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra biển Đông.

Gia Linh (T/H)