Năng lượng tái tạo

Chuyển dịch năng lượng – Con đường hướng tới Net-Zero

Thứ bảy, 6/8/2022 | 17:16 GMT+7
Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng – Con đường hướng tới Net-Zero năm 2050” vừa diễn ra với sự chủ trì của ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Hơn 160 đại biểu đến từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, Sở Công Thương các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, các cơ quan phát triển quốc tế cũng như chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Năng lượng sạch, giá cả phù hợp và bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)”.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng với các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang áp dụng những mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình thích ứng với biến đổi khí và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong quá trình trăng trưởng bằng cách cắt giảm lượng phát thải từ các hoạt động của nền kinh tế. 

Quang cảnh hội thảo

Theo báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Chính phủ Việt Nam trình lên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào tháng 7 năm 2020, 73% lượng phát thải khí carbon của Việt Nam đến từ lĩnh vực năng lượng, do vậy tốc độ chuyển dịch năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm phát thải carbon của Việt Nam.

Chuyển dịch năng lượng sẽ tiếp tục diễn ra sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn ở các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Điều này có nghĩa là nhu cầu năng lượng sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ xăng, dầu, than sang điện, khí và các dạng năng lượng mới. 

Trong ba năm trở lại đây (2018 - 2021), cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ theo xu thế phát triển chung toàn cầu, hướng tới ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện đạt 78,121 GW; trong đó, điện mặt trời là 16,6 GW chiếm 21,3% (bao gồm cả điện mặt trời áp mái) và gió là 4,6 GW, tương đương khoảng 6%. Quá trình chuyển dịch năng lượng được tạo đà bởi các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cùng với việc lên kế hoạch từng bước giảm dần các khoản đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch tác động trực tiếp đến chiến lược cắt giảm phát thải quốc gia.

Hội thảo đã lắng nghe một số tham luận với các chủ đề: Xu hướng chuyển dịch năng lượng và các chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, “Chuyển dịch năng lượng - Energiewende” của Đức, Lộ trình hướng tới đạt Net-Zero của Việt Nam – vai trò của ngành năng lượng, Chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam – khung chính sách dài hạn... 

Thông qua các tham luận, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thế giới và Đức nhằm đẩy mạnh quá trình thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như cung cấp bức tranh tổng quan các chính sách của Việt Nam đã và đang thúc đẩy chuyển dịch bền vững.

Tiến Đạt