Năng lượng phát triển

Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững

Thứ tư, 13/10/2021 | 12:46 GMT+7
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Dầu khí và Than) phối hợp với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững.

Trong vài thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đã tăng từ 114 USD vào năm 1990 đến 2.587 USD vào năm 2018 như một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình. Do đó, trước bối cảnh nhu cầu về năng lượng tăng lên nhanh chóng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện và nâng cấp hạ tầng ngành năng lượng trong đó có Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Tại hội thảo này, đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ một số vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ được những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng.

Thứ hai, đánh giá và làm rõ tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành công nghiệp dầu khí, công nghiệp than và các phân ngành năng lượng khác của Việt Nam.

Thứ ba, đề xuất định hướng và các cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đề nghị tập trung vào các giải pháp chính, quan trọng như vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các cơ chế chính sách để giảm sâu phát thải khí CO2, chính sách phi carbon hóa... vấn đề cơ sở hạ tầng, vấn đề môi trường...

Thứ tư, đề xuất và kiến nghị các giải pháp chính sách đối với ngành dầu khí để có thể xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế, năng lượng, công nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Đề nghị tập trung vào các giải pháp, chính sách đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí. Kiến nghị cụ thể về các cơ chế chính sách để ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, vấn đề sửa đổi Luật Dầu khí, vấn đề cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tham gia đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi, cũng như các dự án năng lượng tái tạo khác...

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Nhờ các chính sách khuyến khích, thời gian qua, nhất là trong 2 năm 2019 - 2020, đã có sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo ở Việt Nam (đặc biệt là điện mặt trời).

Tính đến hết ngày 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc có 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà); 514 MW điện gió; 382,1 MW điện sinh khối; 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ VNĐ – 21.000 tỷ VNĐ). Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5 - 6 năm 2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021 - 2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.

Tuy nhiên việc phát triển "nóng" cũng mang đến những hệ lụy không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500kV (do điện mặt trời, điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung, nơi có tiềm năng tốt hơn), tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tuabin khí, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, đề xuất định hướng trong thời gian tới, về điện mặt trời: khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được (khoảng 20% công suất hệ thống) kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thủy điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong (internal combustion engine - ICE), pin lưu trữ… và nâng cao khả năng điều khiển hệ thống điện cho các Trung tâm Điều độ. Ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác), đấu nối vào lưới điện 35kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu và các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước với điều kiện việc lắp đặt thiết bị trên mặt nước không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của công trình, hồ chứa, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.

Xây dựng chính sách hợp lý cho các dự án lưu trữ năng lượng theo hướng khuyến khích chủ đầu tư các dự án đầu tư hệ thống lưu trữ khi giá thành hệ lưu trữ phù hợp.

Bên cạnh đó, việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - vận hành để không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.

Với các dự án điện gió ngoài khơi, chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế (chi phí đầu tư, vận hành - bảo dưỡng) và hệ thống hạ tầng lưới điện giải tỏa công suất được chuẩn bị sẵn sàng.

Thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sử dụng là chính

Về chính sách: về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư: từ trước tới nay, chủ đầu tư các dự án điện (bao gồm cả các dự án năng lượng tái tạo) hầu hết đều được lựa chọn thông qua hình thức giao trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND các tỉnh). Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực (từ ngày 01/01/2021) và các văn bản hướng dẫn liên quan (Nghị định số 31/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định số 35/2021 ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) được ban hành, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung (và các dự án năng lượng tái tạo) sẽ phải tuân thủ theo các quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 25/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó tinh thần cơ bản là chủ đầu tư các dự án (trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Luật) sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu, thực hiện sau bước phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) và đàm phán với EVN về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành. Trước khi đấu thầu thì quy mô công suất, thời điểm vận hành được lấy ý kiến của Bộ Công Thương, EVN nhằm kiểm soát tốt công suất hệ thống và phù hợp với tiến độ đầu tư lưới/nhu cầu phụ tải và khả năng giải tỏa công suất.

Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà: ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sử dụng là chính. Quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác tùy theo quy mô công suất), đấu nối vào lưới điện từ 35kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu. Để khuyến khích, giá bán điện dư của các dự án này có thể nghiên cứu quy định ở một mức phù hợp, điều chỉnh theo năm và nằm trong khung giá phát điện mặt trời do Bộ Công Thương ban hành hàng năm.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả cũng đã trình bày tham luận về: chuyển dịch năng lượng và một số giải pháp công nghệ năng lượng điển hình; các thách thức về môi trường và thị trường hóa trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng ở Việt Nam; giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo để phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Các tham luận nhằm cung cấp thông tin, thảo luận, đánh giá về nhiều vấn đề quan trọng như nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, trong đó có đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng.

Cẩm Hạnh